Phóng sự ảnh

Hội nghị kỹ thuật 2024 PTC3: Giải toả áp lực trong quản lý vận hành

Thứ bảy, 16/3/2024 | 08:00 GMT+7
Từ năm 2019, tốc độ phát triển nhanh của nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tại 5 tỉnh duyên hải Nam miền Trung và 4 tỉnh Tây Nguyên đã gây áp lực rất lớn đối với việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện truyền tải do PTC3 quản lý vận hành.

Trạm 220kV Phù Mỹ tiếp nhận công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều đó đặt ra bài toán đầy thách thức trong việc bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện đối với  PTC3. Năm 2023, sản lượng điện từ NLTT chiếm 13% tổng sản lượng điện truyền tải (điện mặt trời 9% và điện gió 4%). Mặc dù sản lượng NLTT chỉ chiếm 13% nhưng do công suất phát tập trung vào 6 tiếng vào ban ngày nên công suất trên các đường dây và qua máy biến áp tăng 4 lần so với các giờ còn lại.

Cũng chính vì tốc độ phát triển nhanh của nguồn năng lượng tái tạo mà chỉ trong vòng hơn 2 năm (2021-2023), Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) từ đơn vị truyền tải cung cấp điện cho 9 tỉnh khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội đã trở thành một đơn vị truyền tải nguồn điện từ Nam miền Trung và Tây Nguyên cấp vào miền Nam và ra Bắc: Năm 2022, đã truyền tải 63,5 tỷ kWh; năm 2023, truyền tải 63,7 tỷ kWh. Trong đó, cung cấp cho các địa phương ở Nam miền Trung khoảng 6 tỷ kWh, truyền tải vào miền Nam 49 tỷ kWh chiếm khoảng 45% tổng sản lượng tiêu thụ tại miền Nam; truyền tải ra phía Bắc 6 tỷ kWh. 

Kiểm tra thiết bị trạm biến áp 220 Quy Nhơn bằng máy đo phát nhiệt.

Sự phát triển quy mô lưới điện truyền tải ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên bắt buộc PTC3 phải phát triển về nhân lực để đáp ứng cho công tác quản lý vận hành. Cần phải có một đội ngũ công nhân lành nghề và đội ngũ kỹ sư giỏi, thạo việc. Đây là một điều không đơn giản. Khó khăn hơn, lại đúng vào thời điểm, ngành điện gặp nhiều khó khăn về tài chính. Năm 2022, các biến động lớn trên thế giới như đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách zero – covid tại Trung Quốc, xung đột địa chính trị tại Châu Âu...đã gây ra tình trạng khủng hoảng năng lượng tại nhiều nước trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh điện tại Việt Nam, mà trực tiếp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Rồi những vướng mắc về cơ chế chính sách trong thực hiện các dự án điện, khó khăn trong thu xếp vốn...; giá điện không được điều chỉnh khi chi phí đầu vào tăng đến gần 20%, thậm chí thấp hơn giá thành. Để giảm bớt lỗ, EVN đã phải tiết giảm chi phí và đương nhiên những chi phí cho phương án đảm bảo cung cấp điện là không thể cắt giảm nếu muốn cung cấp điện an toàn, ổn định và đảm bảo chất lượng. Một trong những giải pháp mà trong thời điểm khó khăn nhất đó là thể hiện phẩm chất truyền thống yêu nước của người thợ điện Việt Nam phải dùng đến khi nguy cấp nhất, đó là sự hy sinh quyền lợi của gần 100 ngàn CBCNV ngành Điện, trong đó có CBCNV PTC3: Cắt giảm lương (thực hiện chi lương cho CBCNV với mức chỉ từ 80%-90% mức lương bình quân năm 2020).

Nhập và đọc số liệu bằng công nghệ quét mã QR tại trạm 220 Phù Mỹ.

Trong bối cảnh vận hành với tỉ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo lớn, năm 2024, PTC3 đã đưa ra các giải pháp đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, tin cậy: Tuân thủ công tác kiểm tra thiết bị (kiểm tra định kỳ, kiểm tra tăng cường, đột xuất), công tác soi phát nhiệt, ứng trực, giám sát chế độ vận hành mang tải của đường dây và trạm biến áp,... đặc biệt trong các tình huống vận hành bất lợi, cực đoan như: đầy, quá tải; mưa bão; lũ lụt; cháy rừng đe dọa vận hành, ….; hiệu chỉnh, cập nhật phương án ngăn ngừa sự cố cho từng đường dây, trạm biến áp đã được phê duyệt trong năm 2023 nếu chưa xây dựng kịch bản cho các chế độ bất lợi, cực đoan; tăng cường đào tạo, huấn luận cho nhân viên vận hành để nắm vững nguyên lý, sử dụng thành thạo các máy đo nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, đặc biệt là các máy soi phát nhiệt; máy kiểm tra phóng điện vầng quang; máy dò chạm đất DC; máy đo điện trở tiếp địa...; rà soát, lập phương án bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị theo quy định; rà soát các chủng loại vật tư, thiết bị trên lưới đã từng xảy ra nhiều hư hỏng, khiếm khuyết, nằm trong danh mục hạn chế mua sắm; đánh giá tình trạng vận hành hiện tại để có phương án sửa chữa, thay thế kịp thời; tăng cường công tác bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị; bám sát tình hình vận hành thực tế để đảm bảo an ninh cung cấp điện, đồng thời, giảm tối đa chi phí vận hành hệ thống điện.

Kiểm tra hoạt động hệ thống viễn thông, thông tin tại trạm 220 Quy Nhơn.

Các đơn vị trực thuộc PTC3 đã ứng dụng UAV trong các công tác cụ thể như: Kiểm tra định kỳ đường dây, kiểm tra dây dẫn, dây chống sét cáp quang, đo độ cao dây dẫn và dây chống sét; soi phát nhiệt mối nối, tai lèo khi tải cao, khi bất thường và đo lần đầu khi công trình đưa vào sử dụng; kiểm tra bất thường, sự cố, tìm vết phóng điện trên cách điện và trên dây dẫn; xử lý bất thường trên đường dây như đốt diều vướng vào đường dây, đốt tổ ong trên cột nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân leo cột thi công; tầm soát soi phát nhiệt cách điện composite, chụp ảnh nhiệt kiểm tra các chuỗi cách điện composite cho các vị trí cột cao trên 60m…

Hằng năm, tại Hội nghị Quản lý kỹ thuật, PTC3 đã có những đánh giá sơ bộ về hiệu quả khi áp dụng UAV trong quản lý vận hành, đồng thời, chỉ ra những tồn tại hạn chế của thiết bị; các phần mềm dùng chung trong quản lý vận hành; cách điện composite.

Công nhân Truyền tải Điện Bình Định lắp đặt Camera quan sát tại điểm hầm chui đường cao tốc Bắc – Nam.

Do khu vực Tây Nguyên vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng, nhiệt độ bất thường nắng nóng, dễ gây cháy rừng; các tỉnh duyên hải Nam miền Trung có khí hậu gió mùa nóng và ẩm, khu vực đi gần biển gió nhiều kèm theo bụi bẫn và hơi mặn của nước biển nên công tác quản lý vận hành cách điện trên lưới truyền tải luôn được coi trọng. PTC3 đã thực hiện thay cách điện truyền thống bằng cách điện composite đối với các đường dây vận hành lâu năm như: Đường dây 220kV Đa Nhim – Đức Trọng – Di Linh – Bảo Lộc – Sông Mây (vận hành từ 1965); Đường dây 500kV Pleiku - Đắk Nông - Cầu Bông mạch 1 (vận hành từ năm 1994). Theo thiết kế ban đầu, tư vấn thiết kế chọn cấp độ nhiễm bẩn là 16-20mm/kV lên cấp nhiễm bẩn 25mm/kV phù hợp với điều kiện môi trường đang vận hành. Hiện nay cách điện composite đang chiếm tỷ lệ cao trên lưới truyền tải do PTC3 quản lý vận hành.

Công nhân Truyền tải Bình Thuận sử dụng Flycam và máy đo điện trường tại các điểm giao chéo với đường cao tốc Bắc – Nam.

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào ban ngày, công suất phía 220kV lưới điện do PTC3 quản lý đều phát về các TBA 500kV. Lưới điện 500kV truyền tải vào phía Nam và một phần ra Bắc. Cũng vào thời điểm này, lưới điện phân phối 110kV cấp điện tại chỗ và phần công suất không sử dụng hết đẩy ngược lên lưới điện truyền tải. Các nguồn nhiệt điện và thuỷ điện phân bổ cho các địa phương trong khu vực. Như vậy, vào ban ngày, toàn bộ các nguồn nối lưới 220kV và 500kV đều truyền tải vào Nam, ra Bắc, không tiêu thụ tại chỗ. Tình trạng này đã dẫn đến các điểm nghẽn vào giờ cao điểm, gây khó khăn trong công tác vận hành. 

Bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị tại trạm biến áp 500 Di Linh.

Đầu tháng 3-2024, trục đường dây 500kV đang truyền tải từ miền Trung vào miền Nam đã chuyển hướng cấp ra phía Bắc. Do vậy, các đường dây 220kV và 500kV đã rơi vào tình trạng vận hành đầy tải, quá tải. Trong đó, 22% đường dây 220kV thường xuyên đầy tải, đôi khi quá tải, như: Đường dây 220kV Tuy Hoà – Quy Nhơn, Quy Nhơn – NMTĐ An Khê - SK An Khê – Pleiku,  Pleiku 2 – Chư Sê, Tháp Chàm – Đa Nhim - Đức Trọng – Di Linh, Phan Thiết – Hàm Thuận…; máy biến áp tại các TBA 220kV Tháp Chàm, Ninh Phước, Đắk Nông thường xuyên đầy tải vào ban ngày. Để hạn chế ảnh hưởng giảm phát các Nhà máy điện NLTT trong khu vực, các đơn vị vận hành của PTC3 phải thao tác đóng máy cắt mỗi ngày 1 lần, sau 3 năm đưa vào vận hành, nhiều máy cắt đã thực hiện trên 1000 lần thao tác. Việc thao tác cơ khí quá nhiều khiến cho tuổi thọ máy cắt giảm nhanh, dẫn đến phải thay trước kỳ hạn.

Công nhân Truyền tải Điện Lâm Đồng sử dụng máy đo điện trở tiếp địa và kiểm tra khoảng các dây dẫn.

Do nguồn NLTT phát cao vào ban ngày, nên sau 4 năm, PTC3 đã “thích nghi” với việc thực hiện sửa chữa lưới điện vào ban đêm. Năm 2023, PTC3 đã thực hiện sửa chữa bảo dưỡng thiết bị 129 lần vào ban đêm, trong đó, 57 lần xử lý bất thường trên lưới.

Công nhân Truyền tải Điện Khánh Hòa kiểm tra tuyến đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân.

Khí hậu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và điều này đồng nghĩa với lao động sản xuất, trong đó, có công tác vận hành lưới điện truyền tải. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến lưới điện truyền tải và công việc của những người làm công tác truyền tải, đặc biệt, ở hai vùng duyên hải và Tây Nguyên. Họ đã và đang phải đối mặt với tình hình nhiệt độ gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Khi nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng thêm 2 độ C so với trước đây, đòi hỏi PTC3 phải có các biện pháp thích ứng với sự thay đổi này tại các Hội nghị Kỹ thuật được tổ chức hằng năm. 

Soi phát nhiệt đảm bảo vận hành an toàn trạm biến áp 500kV Vân Phong.

Thời tiết cực đoan là bất khả kháng và đặc biệt là đối với hệ thống lưới điện truyền tải. Nhưng PTC3 đã dựa vào sức sáng tạo của con người cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng trong quản lý vận hành. Họ luôn hoàn thành nhiệm vụ trọng mọi khó khăn bởi trong tâm niệm của mình, họ luôn mặc định: Trong kỹ thuật không có sự may rủi, không có sự xuê xoa, chỉ có đúng hoặc không đúng. Đúng là thành công. Sai là thất bại.

Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm tiếp nhận công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Công nhân Truyền tải Điện Phú Yên kiểm tra các điểm, các vị trí cột tại điểm giao chéo với đường cao tốc Bắc – Nam bằng Flycam.
 

Thanh Mai. Ảnh: Ngọc Hà