Kỹ sư Từ Văn Sơn chia sẻ cấu tạo của chiếc Máy quấn dây biến áp do mình sáng chế.
Đằng sau các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh là niềm đam mê công việc, tinh thần ham học hỏi và mong muốn đóng góp cho đơn vị.
Những sáng kiến trăm triệu
Phải mất rất nhiều lần gọi điện thoại tôi mới gặp được kỹ sư Từ Văn Sơn. Với cái dáng người cao, trong bộ quần áo lao động màu vàng, anh cười hiền lành: “Nhà báo thông cảm vì công việc của đơn vị nhiều quá nên chưa gặp nhau sớm được”.
Không thích kể nhiều về mình nhưng khi nói về công việc, anh lại có niềm đam mê rất lạ. Lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ngay từ nhỏ anh Sơn đã thích mày mò sửa chữa các thiết bị, máy móc chạy bằng điện. Quyết tâm theo đuổi đam mê, Từ Văn Sơn đăng ký học tại Khoa Điện công nghiệp, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ đường sắt II (Bình Dương). Sau khi tốt nghiệp, anh làm tại Bình Dương được một thời gian, đến năm 2006 anh quyết định xin về công tác tại tổ máy biến áp và cơ khí Công ty Điện lực Bình Phước với nhiệm vụ chính là sửa chữa máy biến áp, gia công cơ khí phục vụ sửa chữa, vận hành máy phát điện, phụ trách môi trường.
Ở môi trường làm việc mới, công việc của anh cùng với đồng nghiệp thường di chuyển máy biến áp từ bãi tập kết vào xưởng để sửa chữa. Những máy biến áp này có trọng lượng trung bình từ 150 đến 350kg. Vì thế, việc di chuyển tốn rất nhiều thời gian, công sức, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Phân xưởng chưa được trang bị xe di chuyển máy biến áp nên rất khó khăn khi thao tác trong không gian nhỏ hẹp của phân xưởng
Trăn trở vì điều này, anh quyết tâm chế tạo một thiết bị nhỏ gọn, tiết kiệm chi phí hơn để để nâng và di chuyển các máy biến áp trong xưởng cũng như các vật tư thiết bị trong các kho bãi của công ty. Cả tháng trời, anh hầu như ở suốt trong nhà máy, phải thử đi thử lại cả chục lần các thiết bị khác nhau để tìm ra một hệ thống tối ưu nhất. Sự nỗ lực của anh đã được đền đáp khi chế tạo thành công “Xe nâng và di chuyển máy biến áp”.
Thiết bị hoạt động dựa trên nguyên tắc của đòn bẩy, thông qua một cơ cấu đẩy lực. Sau khi máy được nâng lên độ cao nhất định (trên khung xe) sẽ được hạ xuống hai thanh sắt đỡ trên khung để máy không bị đung đưa trong khi vận chuyển. Dùng sức người kéo và đẩy máy tới nơi đặt máy, máy sẽ được nâng lên, lấy hai thanh đỡ ra rồi đặt máy xuống. Thiết bị này đã được Ban Giám đốc Công ty công nhận sáng kiến và đưa vào sử dụng trong sản xuất.
Không "ngủ quên" trong thành tích đó, trong quá trình công tác, kỹ sư Từ Văn Sơn luôn mày mò, chịu khó học hỏi, sáng chế. Năm 2010, từ thực tiễn công việc, anh lại cho ra đời thêm 3 sáng kiến kỹ thuật mới gồm: “Máy quấn dây biến áp”, “Hợp lý hóa sản xuất dây cẩu máy phát điện” và “Buồng hút và xử lý bụi sơn”. Trong số 4 sáng kiến, đáng kể nhất là sản phẩm: “Máy quấn dây biến áp”. Trước đây, các loại máy quấn dây biến thế tự động trên thị trường có giá vào khoảng 150 triệu đồng/máy, nên Công ty chưa thể trang bị cho phân xưởng. Để quấn dây, anh Sơn cùng đồng nghiệp phải sử dụng khuôn quấn chêm bằng gỗ, quay bằng tay, vừa quay vừa giữ và rải dây - tốn thời gian làm khuôn và tốn sức người quay (từ 2.000 - 3.000 vòng dây cao áp).
Sau một thời gian tìm tòi nghiên cứu, anh Sơn đã sáng tạo thành công sản phẩm “Máy cuốn dây biến áp”. Sáng kiến này có giá thành chế tạo gần 9 triệu đồng, trong khi đó giá của máy quấn dây chế biến tự động loại DT-WM210 trên thị trường hiện nay có giá khoảng 150 triệu đồng và phải cần 2 người quấn. Để quấn một cuộn dây cao áp, bình thường phải 2 lao động làm trong một ngày nhưng khi sử dụng máy này chỉ cần một người làm trong một ngày. Điều đặc biệt hơn là nhờ ứng dụng hiệu quả nên sản phẩm này đã đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần II năm 2012-2013.
Một người khiêm tốn và không ngừng học hỏi
Chia sẻ về những sáng chế của mình, anh Sơn nói: “Thực ra nó cũng chẳng có gì lớn lao cả. Chỉ là trong quá trình làm việc, mình cứ nghĩ là phải làm sao cho tốt nhất, tối ưu nhất, vừa tiết giảm chi phí, đảm bảo an toàn lại có mang lại hiệu quả cao”.
Để không bị tụt hậu, anh Sơn luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi học thêm, nâng cao tay nghề. Từ đọc sách, nghiên cứu cho đến việc học hỏi cách làm hay từ các đồng nghiệp. Khi được hỏi về bí quyết thành công, anh từ tốn nói: “Tôi luôn cháy hết mình cho công việc, không ngại khó khăn và quyết tâm ham học hỏi rất lớn. Bên cạnh đó, tôi cũng được sự giúp đỡ rất nhiều từ Ban lãnh đạo và đồng nghiệp. Thành công của tôi cũng là thành công của tập thể”.
Quan niệm sống của anh là muốn được trọng dụng thì trước hết phải tự rèn luyện mình. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ sửa chữa thuộc Phân xưởng cơ điện, anh Sơn còn động viên cán bộ, công nhân lao động trong công ty hăng hái thi đua, tham gia lao động sản xuất và có nhiều đóng góp cải tiến kỹ thuật với mục tiêu nâng cao hiệu suất công việc. Anh bật mí, hiện đang nghiên cứu thiết bị đóng cọc tiếp đất bằng điện.
Kỹ sư Từ Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ sửa chữa thuộc Phân xưởng cơ điện (Công ty Điện lực Bình Phước) đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ II, năm 2012 - 2013. Ảnh: Thanh Khoa
Với sự cố gắng không ngừng, kỹ sư Từ Văn Sơn đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Công thương. Đặc biệt, anh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần II năm 2013 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng và là 1 trong 20 gương mặt công dân ưu tú của tỉnh Bình Phước.
Đây chính là động lực để anh tiếp tục phấn đấu vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành điện Bình Phước.