Tin trong nước

Đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão

Thứ ba, 29/8/2017 | 16:39 GMT+7
PV đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) về các biện pháp đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão.

Hậu quả lũ gây ra với lưới điện Nậm Păm.
 
Đợt mưa lớn gây lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/2017, lưới điện của 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái đã bị thiệt hại nặng nề. Theo số liệu báo cáo của Công ty điện lực Sơn La, chỉ tính riêng đợt lũ ống, lũ quét này, đã có 7/16 xã  với khoảng 7.800/trên tổng số 17.298 khách hàng bị ảnh hưởng. Lộ đường dây thuộc lộ 377 cấp điện cho 06 xã và một phần Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La bị thiệt hại nặng nhất; 65 trạm biến áp bị mất điện, lũ cuốn trôi gồm 01 trạm biến áp và 02 trạm cắt phân đoạn đường dây; 39 cột điện trung thế, 49 cột điện hạ thế bị hỏng, gãy, đổ, nghiêng và còn một số khu vực chưa thống kế hết, ước tính thiệt hại và chi phí khắc phục khoảng 25 tỷ đồng.
 
Trong các ngày từ 01-3/8/2017, trên địa bàn khu vực Mù Cang Chải thuộc Điện Lực Nghĩa Lộ quản lý xảy ra mưa lớn kèm theo giông sét kéo dài. Đến sáng ngày 3/8/2017, đã xảy ra lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến lưới điện thuộc 3 xã Điện lực Nghĩa Lộ quản lý. Hơn 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng cung cấp điện. Cụ thể, đã có 3 trạm biến áp phân phối bị mất điện, 25 cột điện hạ áp bị gãy, đổ, 1cột điện hạ áp bị nghiêng, sạt lở, hơn 500 m dây dẫn hạ áp các loại bị phá hỏng; số hòm công tơ và số công tơ bị hỏng cũng như thiệt hại vẫn chưa tính hết được. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trong 2 ngày 24 và 25/8 vừa qua tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra mưa lớn, lũ, gây ảnh hưởng đến các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương và Định Hóa - với 13 xã và khoảng 7725 khách hàng bị ảnh hưởng cấp điện do 52 trạm biến áp phân phối bị mất điện, 2 trạm biến áp bị hư hỏng nặng, 14 cột điện bị đổ, gẫy. Cho đến hết ngày hôm qua, công tác khắc phục, dựng cột kéo dây, cấp điện trở lại cho khách hàng mới hoàn tất.
 
PV: Ông Mai Quang Hùng có bổ sung gì về những thiệt hại và khó khăn trong việc khắc phục sửa chữa, cấp điện trở lại cho khách hàng, đảm bảo cho dòng điện được an toàn, thông suốt ?
 
Ông Mai Quang Hùng: Ngay sau khi các cơn bão đi qua, tại các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp  hoặc bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão thì những thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra do mưa lũ, sạt lở đất. Cho đến tận ngày hôm nay, các đơn vị trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc vẫn thường xuyên cập nhật, báo cáo thiệt hại. Con số thiệt hại chúng tôi cập nhật báo cáo EVN liên tục theo ngày. So với những thiệt hại mà BTV Nguyên Long đưa ra, đến thời điểm này có thể nói đã tăng lên khoảng 20%.
 
Địa bàn các tỉnh phía Bắc rất đa dạng về địa hình, miền núi, trung du, đồng bằng, duyên hải đều có cả. Đặc biệt các tỉnh miền núi, hệ thống sông suối có độ dốc lớn, việc xuất hiện lũ ống, lũ quét rất dễ xảy ra (như đã xảy ra vừa qua tại Mường La - Sơn La và Mù Cang Chải - Yên Bái), gây thiệt hại lớn về nhà cửa, chia cắt giao thông, đổ cột, đứt dây điện, làm trôi, chìm MBA, công tơ và các thiết bị điện... Điều này đã cản trở rất lớn các nỗ lực cấp điện trở lại cho các địa phương bị ảnh hưởng lũ bão. Chỉ đơn cử việc đưa 1 MBA, 1 cột điện qua suối, lên đồi đã là cả một khó khăn rất lớn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ người dân, CBCNV ngành điện lực miền Bắc chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình nhằm đưa dòng điện trở lại cho bà con vùng lũ vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi và mất mát.
 
PV: Thưa ông, ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng núi cao, khu vực có địa hình hiểm trở khó khăn, để khắc phục sự cố an toàn lưới điện trong mùa mưa bão thì bên cạnh việc chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ… nguồn nhân lực rất quan trọng. NPC đã phát hiện các sự cố trên lưới từ những nguồn nào và làm sao để có thể khắc phục nhanh, cấp điện trở lại sớm nhất cho khách hàng ?
 
Ông Mai Quang Hùng: Để phát hiện các sự cố trên lưới điện do lũ bão gây ra, chúng tôi dựa vào các thông tin sau: Thứ nhất, qua các thiết bị bảo vệ rơ le trong hệ thống điện, chúng tôi xác định được dạng sự cố trên đường dây, thiết bị hư hỏng và khoảng cách từ nơi đặt bảo vệ đến chỗ sự cố. Thứ hai, chúng cũng có thể xác định được sự cố qua thông tin người dân báo về (báo về trực ban vận hành Điện lực hoặc Trung tâm CSKH Tổng công ty). Thứ ba, chúng tôi có hệ thống Dịch vụ bán lẻ điện năng nông thôn, họ là vệ tinh của ngành điện, những người này sẽ nhanh chóng báo cáo tình hình sự cố và thiệt hại một cách khá chính xác đến ngành Điện.
 
Để có thể khắc phục nhanh, cấp điện trở lại sớm nhất cho khách hàng, chúng tôi áp dụng phương thức 4 tại chỗ. Về Chỉ huy tại chỗ, chúng tôi xác định cán bộ Điện lực cấp huyện sẽ chỉ huy việc khắc phục này, vì không ai thạo hơn họ trong việc hiểu biết địa hình, giao thông, đặc điểm tuyến dây…Về Lực lượng tại chỗ, ngoài CBCNV ngành điện, chúng tôi sẽ huy động thêm các đơn vị thi công của huyện, bà con nhân dân, kể cả lực lượng vũ trang đóng quân tại địa phương để thực hiện. CBCNV chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện lắp đặt thiết bị, kéo dây…Về Phương tiện, vật tư tại chỗ, chúng tôi huy động tối đa phương tiện (xe tải, xe cẩu, xe nâng, xe thang…) và vật tư, thiết bị điện dự phòng phòng chống lụt bão của Điện lực cấp huyện để phục vụ khắc phục hậu quả bão lũ. Về Hậu cần tại chỗ, công đoàn Điện lực bố trí công nhân phục vụ ăn uống và các trang thiết bị hậu cần phục vụ thi công tốt nhất.
 
Hai là, tăng cường khẩn trương sự chỉ đạo và hỗ trợ của Công ty Điện lực tỉnh, Tổng Công ty hoặc có thể huy động của các Công ty Điện lực bạn ở các khâu: Tăng cường thông tin chỉ huy điều hành lưới điện, Hỗ trợ nhân vật lực, tài chính cho thi công khắc phục hậu quả bão lũ;
 
PV: Thưa ông, được biết, NPC đã cho xây dựng hơn 360 nhà trực/chốt trực vận hành tại các địa bàn khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường khả năng ứng trực, khắc phục sự cố. Theo kế hoạch thì các nhà trực vận hành này phải hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay. Ông cho biết thực tế này cũng như hiệu quả cụ thể của các nhà trực/chốt trực trong mùa mưa bão năm nay như thế nào ?
 
Ông Mai Quang Hùng: Tính đến thời điểm này, NPC đã xây dựng được 362 nhà chốt trực vận hành, trong đó 348 cái đã hoàn thành đưa vào hoạt động, còn 14 cái đang xây dựng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9 này.
 
Có thể khẳng định, không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan Điện lực với khách hàng, khắc phục nhanh các sự cố, nâng cao năng suất lao động, Nhà trực vận hành còn là ngôi nhà thứ 2, giúp những thợ điện xa nhà vùng xa, vùng biên giới và hải đảo có nơi ăn chốn ở ổn định, yên tâm công tác.
 
Từ năm 2013, EVN thống nhất chủ trương cho phép xây dựng các nhà trực/chốt trực vận hành đặt tại các địa bàn khó khăn trên cả nước. Ngành điện kỳ vọng, thông qua các nhà trực/chốt trực giúp ngành điện đến gần hơn với khách hàng, tăng cường khả năng ứng trực cũng như giải quyết nhanh các yêu cầu của khách hàng.
 
Tại các nhà trực/chốt trực vận hành, Điện lực các địa phương sẽ bố trí công nhân trực thường xuyên, suốt 24/24h. Khách hàng sử dụng điện ở cách xa với Điện lực khi đến các nhà trực/chốt trực sẽ nhanh hơn, hỏi - đáp thông tin kịp thời hơn. Đặc biệt, trong những tình huống gặp sự cố trên lưới (như trong mùa mưa bão), các nhà trực/chốt trực này ứng với phương châm 4 tại chỗ, ngành điện có ngay lực lượng tại chỗ để xử lý nhanh các sự cố nhỏ lẻ trên địa bàn (các sự cố lớn phải tập trung nhân lực và có sự phối hợp của các lực lượng).
 
Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện nay, phần lớn các các nhà trực/chốt trực vận hành đi vào hoạt động đều phát huy tốt hiệu quả, phục vụ công tác quản lý và vận hành lưới điện cũng như chăm lo đời sống cho CBCNV điện lực vùng sâu vùng xa.
Nguyên Long/Icon.com.vn