“Đánh thức” vùng chuyên canh sầu riêng Sông Hinh

Thứ ba, 10/6/2025 | 08:38 GMT+7
Tại huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên), sầu riêng không chỉ là loại cây trồng có giá trị mà ngày càng khẳng định vai trò cây chủ lực giúp người dân vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để chuyển mình theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ổn định, một trong những yếu tố tiên quyết chính là có nguồn điện đáng tin cậy phục vụ tưới tiêu và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Điện lực Sông Hinh (PYPC) làm việc với ông Cao Nguyên Lâm về sử dụng điện trong mùa nắng.

Nắm bắt được yêu cầu cấp thiết đó, Công ty Điện lực Phú Yên (PYPC) đã ưu tiên đầu tư hạ tầng điện lưới đến các vùng trồng sầu riêng trọng điểm, trong đó có xã EaBar – nơi có diện tích trồng sầu riêng lên tới 150 ha và còn dư địa lớn để mở rộng. Sự xuất hiện của điện không chỉ là nguồn năng lượng đơn thuần, mà còn là làn gió mới thổi bừng sức sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho vùng đất còn nhiều khó khăn.

Giải cơn khát nước tưới cho vùng chuyên canh

Suốt nhiều năm, hàng chục hộ dân trồng sầu riêng ở thôn Tân An, xã EaBar phải “gồng mình” với bài toán thiếu điện. Để tưới tiêu cho vườn cây, họ buộc phải sử dụng máy nổ chạy xăng dầu vừa tốn kém vừa không ổn định. Ông Cao Nguyên Lâm, chủ hộ có 20 ha sầu riêng chia sẻ: “Vào mùa nắng, mỗi ngày tôi phải đốt hơn một triệu đồng tiền xăng để chạy máy bơm. Diện tích lớn nên phải chia nhỏ ra tưới từng phần, cây không đủ nước nên ảnh hưởng năng suất”.

Không riêng gì ông Lâm, nhiều hộ dân trong thôn đều gặp cảnh tương tự. Máy bơm không đủ công suất để hút nước ngầm từ độ sâu cả trăm mét, trong khi điện cũ thì yếu, chập chờn. “Giá xăng dầu cứ tăng, trong khi cây sầu riêng lại cần nước đều, tưới muộn là thiệt hại. Có điện thì mới tính chuyện mở rộng hay đầu tư tưới tự động được”, ông Lâm nói thêm.

Ông Hồ Văn Thuân – Trưởng thôn Tân An cho biết thêm: “Người dân ở đây dùng nước ngầm, nhưng máy nổ không hút nổi, còn điện thì không đủ mạnh. Không có điện thì không có con đường nào để phát triển lâu dài cả”.

Xuất phát từ thực tế đó, PYPC đã đầu tư gần 2 tỷ đồng trong năm 2024 để xây dựng công trình cấp điện mới cho khu vực cuối thôn Tân An. Công trình bao gồm hơn 2 km đường dây trung thế, hơn 1 km đường dây hạ thế và một trạm biến áp công suất 100 kVA. Đến tháng 4/2025, công trình hoàn thành và đưa vào vận hành, cấp điện chính thức cho gần 30 hộ dân.

Ngay khi có điện, nhiều hộ đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, sử dụng cảm biến và điều khiển từ xa. Những cải tiến này giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công và tăng hiệu quả tưới tiêu rõ rệt.

“Giờ có điện rồi, bà con ai cũng mừng. Không còn lo thiếu nước hay tốn kém tiền dầu nữa. Có hộ còn đang chuẩn bị mở rộng thêm vài héc ta,” ông Thuân chia sẻ trong niềm vui chung của cả thôn.

Đồng hành phát triển nông nghiệp miền núi

Điện lực Sông Hinh kiểm tra kỹ thuật TBA cấp điện cho vùng sầu riêng.

Theo ông Huỳnh Quốc Long – Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, ngành điện sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân, theo dõi sát sản lượng điện thương phẩm và nhu cầu sử dụng để kịp thời điều chỉnh, nâng cấp hạ tầng khi cần thiết.

“PYPC cam kết điện đi trước một bước, phục vụ tốt nhất cho các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực của tỉnh, góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển nhanh và bền vững,” ông Long khẳng định.

Thực tế cho thấy, khi có điện ổn định, nông dân mới dám đầu tư hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, điều khiển từ xa qua điện thoại – những yếu tố quan trọng trong nông nghiệp thông minh. Những công nghệ này không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tiết kiệm nước, giảm tác động môi trường và hướng đến sản xuất xanh, bền vững.

Điện không chỉ giúp cây sầu riêng sinh trưởng tốt hơn mà còn là “chìa khóa” để người dân mở rộng sản xuất, tiếp cận kỹ thuật mới và liên kết thị trường. Sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của ngành điện đã tạo ra bước chuyển tích cực, góp phần đưa EaBar từ vùng khó khăn về hạ tầng thành vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp hiện đại.

Không dừng lại ở EaBar, trong thời gian tới, PYPC sẽ tiếp tục rà soát, ưu tiên đầu tư lưới điện cho các vùng chuyên canh khác trên địa bàn tỉnh. Những làn gió mới từ điện lưới quốc gia sẽ tiếp tục thổi bừng sức sống, mở đường cho nông nghiệp Phú Yên chuyển mình theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Hoa Hồng