Tiến độ công trình

Điện lực Krông Pa (Gia Lai) đóng điện mạch vòng XT 478KPA – 477SHO

Thứ ba, 3/6/2025 | 14:47 GMT+7
Vừa qua, Điện lực Krông Pa đã thành công đóng điện công trình mạch vòng liên lạc giữa xuất tuyến 478KPA (Trạm biến áp 110kV Krông Pa – Gia Lai) và xuất tuyến 477SHO (Trạm biến áp 110kV Sơn Hòa – Phú Yên).

Đơn vị ngoài thi công công trình mạch vòng liên lạc xuất tuyển 478KPA.

Đây là công trình quan trọng trong kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện trung áp giai đoạn 2021–2025 của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).

Việc đưa vào vận hành mạch vòng này đã tạo ra một liên kết vững chắc giữa lưới điện trung áp của hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên, góp phần nâng cao khả năng vận hành linh hoạt và đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho khu vực Krông Pa (Gia Lai) và Sông Hinh (Phú Yên).

Mạch vòng có tổng chiều dài đường dây trung áp 22kV là 9,19 km, trong đó 1,663 km được xây dựng mới độc lập và 7,527 km cải tạo từ tuyến hiện hữu. Đặc biệt, một bộ đo đếm hợp bộ MOF 22kV đã được lắp đặt tại ranh giới giữa hai khu vực.

Công trình do Công ty TNHH xây lắp Kim Tiền phụ trách thi công, đối mặt với nhiều thách thức do địa hình đồi núi phức tạp, thời tiết bất lợi và khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, nhờ sự giám sát chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng kỹ thuật theo tiêu chuẩn ngành điện.

Ông Nguyễn Chấn Thành, Giám đốc Điện lực Krông Pa, nhấn mạnh: "Việc đóng điện thành công mạch vòng XT 478KPA - XT 477SHO là một bước tiến quan trọng về kỹ thuật và hiệu quả vận hành. Từ nay, lưới điện khu vực Krông Pa sẽ có thêm một hướng cấp nguồn ổn định, linh hoạt, qua đó giảm đáng kể thời gian gián đoạn khi có sự cố. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi chủ động hơn trong công tác bảo trì và nâng cao chất lượng dịch vụ điện năng phục vụ khách hàng".

Việc hình thành mạch vòng liên tỉnh Krông Pa - Sông Hinh không chỉ tăng cường khả năng chuyển đổi nguồn cấp khi xảy ra sự cố hoặc cần bảo trì, giúp giảm thiểu thời gian mất điện và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, mà còn là bước đi chiến lược hướng đến xây dựng lưới điện thông minh, có khả năng tự động phục hồi và thích ứng linh hoạt với các tình huống vận hành thực tế.

Thành công của công trình là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa lưới điện trung áp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng điện năng, giảm tổn thất và tối ưu hóa đầu tư của EVNCPC trong thời kỳ chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Theo: CPC