Tin trong nước

Đột phá nông nghiệp công nghệ cao nhờ dòng điện

Thứ ba, 29/8/2017 | 09:45 GMT+7
Là tỉnh vùng Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng được thiên nhiên ưu ái bởi khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp sản xuất nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, trà, cà phê… 

Vườn rau thủy canh công nghệ cao tại Đà Lạt.
 
Do đó, từ năm 2004, tỉnh Lâm Đồng xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Hiện nay, Lâm Đồng có tổng số hơn 49.000 hecta sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Toàn bộ diện tích trồng hoa, rau, cây đặc sản đều ứng dụng các công nghệ cao như công nghệ tưới tự đông, rau thuỷ canh, trồng trên giá thể, đồng bộ hệ thống tưới, phân bón tự động… Bước đột phá của nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng của ngành Điện lực địa phương.
 
Vườn lan 11 hecta trồng trên giá thể này thuộc công ty Hoa Mặt Trời, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hoa lan lớn tại Lâm Đồng hiện nay. Toàn bộ giá thể lan hồ điệp được trồng trên giàn cao, mỗi giàn đều có bánh lăn để di chuyển. Để lan cho hoa đạt năng suất, cần nhất điều chỉnh nhiệt độ phù hợp từ 20-22 độ trong vòng 20 ngày. Để làm được điều này, công ty đã lắp đặt hệ thống khống chế nhiệt độ, ánh sáng, cùng với đó là các tường nước tuần hoàn, quạt hút hơi nước liên tục hoạt động. Nếu dòng điện đột ngột bị ngắt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoa. Do đó, vấn đề điện năng luôn là nhu cầu bức thiết mà công ty quan tâm.
 
Công ty Dalat Hasfarm là đơn vị tiên phong trong đầu tư trồng hoa công nghệ cao xuất khẩu trên diện tích 2,5 hecta nhà kính. Đến nay, Công ty mở rộng quy mô trang trại lên 300 hecta, trong đó 70 hecta nhà kính hiện đại trồng hoa, có hệ thống điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm; tự động hóa khâu bón phân, tưới nước… Nhờ những công nghệ cao này, Dalat Hasfarm đã trở thành doanh nghiệp trồng hoa số 1 ở Đông Nam Á cả về diện tích và sản lượng. 
 
Không riêng gì ở Dalat Hasfarm, tại TP. Đà Lạt, sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để trồng hoa, rau đang là hướng đi của nhiều nông dân, trang trại, hợp tác xã…; đặc biệt là hoa cúc. Cúc là cây hoa ngắn ngày, trong điều kiện chiếu sáng bình thường, cây sẽ ra hoa sớm, ảnh hưởng đến chất lượng cành hoa. Vì vậy, để cây hoa đạt chiều cao, hoa to và đẹp, nông dân thường chiếu sáng bổ sung cho hoa bằng cách thắp điện. TP. Đà Lạt đã có khoảng 2.500 hecta trồng hoa cúc các loại, hằng năm sử dụng đèn compact 20 W để chong với tỷ lệ 1.000 bóng đèn compact/hecta. Thời gian thắp sáng 8 giờ hằng đêm. Tổng lượng điện năng tiêu thụ quy ra tiền lên đến khoảng 24 tỉ đồng. Áp lực từ việc cung cấp điện cho nhiều hộ trồng hoa trên địa bàn thành phố luôn là thách thức đối với ngành điện lực tại địa phương.
 
“Để giảm bớt lượng phụ tải, nhiều phương án tiết kiệm điện đã được đưa ra, mới nhất là đề án sử dụng đèn led thay thế đèn compact do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, rau & hoa đề xuất” ông Nguyễn Cường, Giám đốc Điện lực Đà Lạt cho biết.
 
Không riêng gì các hộ trồng hoa cúc, nhiều hộ nông dân trồng rau cũng mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo nên phong trào áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, trang trại rau Kiêm Hùng. Bốn đời gắn bó với nghề trồng rau truyền thống nhưng khoảng hơn 1,5 năm trở lại đây, ông đã chuyển đổi sang trồng rau thuỷ canh và trồng trên giá thể. 10 hecta trồng các loại rau xà lách thuỷ canh & cây giá thể được ông áp dụng hệ thống máy hồi lưu, toàn bộ phân thuốc được phối trộn và dẫn trực tiếp đến đây thông qua nước tưới thuỷ canh, lượng nước này sẽ được tiếp tục tái sử dụng khi khi đi vào hệ thống lọc. Cứ 1 hecta đất sẽ có 1 máy bơm điện có công suất 6km/h.
 
Được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về lĩnh vực công nghệ cao, Lâm Đồng hiện có 759 trang trại, 2 liên hiệp Hợp tác xã và 110 Hợp tác xã nông nghiệp. Hàng loạt thương hiệu nông sản Đà Lạt và Lâm Đồng nhờ đó được hình thành và ngày càng khẳng định vị trí của mình trên thị trường như: Rau, hoa Đà Lạt; cà phê Cầu Đất; cà phê Di Linh; trà B’Lao - Bảo Lộc; chuối Laba… Do đó, tỉnh Lâm Đồng xác định, sẽ tập trung mọi nguồn lực để phục vụ cho mục tiêu này, trong đó, phải kể đến vai trò chủ lực của ngành Điện.
 
Là một Việt Kiều, ông Tăng Thành Đức đã có hơn 30 năm thành công nhờ trồng nấm mỡ tại Canada. Năm 2010, ông Đức trở về nước và chọn huyện Đức Trọng, Lâm Đồng để xây dựng 1 trang trại nấm mỡ hữu cơ, nhằm chia sẻ kinh nghiệm đến bà con nông dân và các doanh nghiệp trong nước. Ông chọn xã N’thôn Hạ, thuộc huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng vì nơi đây khí hậu mát mẻ, trong lành, yên bình và phù hợp để phát triển cây nấm mỡ. Nấm mỡ ông Đức trồng là loại thực phẩm sạch, trồng hoàn toàn hữu cơ từ rơm, phân gà và cám bắp. Do đó, kỹ thuật trồng và bảo quản cần hết sức bài bản, nhất là về vấn đề nhiệt độ và đương nhiên, chỉ có thể điều chỉnh được thông qua các thiết bị điện. Và vùng đất này đã đáp ứng được điều đó. Trang trại gần 3.000m2 của ông Đức hiện chỉ có ông và 8 nhân công phụ việc, đa phần các công việc nặng nhọc, mất nhiều thời gian đều được ông áp dụng cơ giới hoá.
 
“Dây chuyền trồng nấm triệu đô của trang trại chúng tôi mỗi tháng có thể đạt sản lượng 15 tấn, giá bán tại trại hơn 100 ngàn đồng/kg. Hiện tại, sản phẩm của chúng tôi tiêu thụ tại thị trường trong nước là chủ yếu. Từ nhiều yếu tố như khí hậu, con người…thì nguồn điện ổn định đã giúp quá trình sản xuất của trang trại thêm nhiều thuận lợi, minh chứng cho sự lựa chọn vùng đất này của tôi là đúng đắn”, ông Đức chia sẻ
 
Dòng diện đã hỗ trợ đắc lực cho Việt kiều trở về quê hương cống hiến, cũng mở ra hi vọng về tương lai phát triển của một đất nước nông nghiệp.
Mai Hoa/Icon.com.vn