Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tại Hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam tổ chức mới đây, các diễn giả là nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệt điện than trong việc đảm bảo cung cấp năng lượng, đặc biệt đối với Việt Nam - một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, thu nhập ở mức trung bình thấp, nhu cầu tăng trưởng điện cho phát triển kinh tế và đời sống đang ở mức cao (2 con số) - trong khi các nguồn năng lượng điện khai thác từ thủy điện cơ bản đã hết và Chính phủ quyết định cho dừng xây dựng các dự án điện hạt nhân. Vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển nhiệt điện than an toàn, gắn an ninh năng lượng với bảo vệ môi trường, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về chất thải, khí thải mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).
Báo cáo của Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho thấy, sau khi dừng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, việc thay thế bằng nhiệt điện than được tính với phương án cao, thậm chí có khả năng chiếm tỷ trọng tới gần 60% tổng công suất nguồn điện vào năm 2030. Điều này cũng đã được ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công thương xác nhận.
"Việc dừng điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã nói rõ việc sử dụng các nguồn điện thay thế. Theo đó trong giai đoạn từ năm 2020-2030 sẽ bổ sung khoảng 6000 MW điện than và LNG nhập khẩu, đủ năng lực để thay thế cho 4.600 MW dự án ĐHN và giai đoạn sau 2030 sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiệt điện than, khí LNG, và nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời".
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của điện cho phát triển kinh tế xã hội, trong đó, việc phát triển nhiệt điện than đối với Việt Nam là thực tiễn hiệu quả nhất để đáp ứng cho tăng trưởng kinh tế lên tới hơn 7% trong thời gian tới. Bởi các nguồn thủy điện vừa và lớn Việt Nam đã khai thác hết. Thủy điện nhỏ đang được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng bởi những tác động lớn đến môi trường do mất rừng, diện tích chiếm đất lớn nhưng tạo ra công suất điện năng không đáng kể. Phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn này, Việt Nam có thể chủ động được một lượng lớn nguồn nguyên liệu từ nguồn than khai thác trong nước, cộng với việc nhập khẩu than cũng dễ dàng hơn do thế giới có nguồn tài nguyên than có thể khai thác sử dụng cho các nhu cầu trong khoảng 200 năm nữa. Theo ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục an toàn môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương, không chỉ xuất đầu tư thấp hơn, cho giá thành điện hạ hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo mà việc phát triển nhiệt điện than cũng đồng thời kéo theo ngành công nghiệp khai thác than trong nước phát triển, tạo việc làm và ổn định đời sống cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp.
"Nhu cầu nhiệt điện đốt than là một thực tiễn, vừa đảm bảo an ninh năng lượng nhưng đồng thời cũng đảm bảo giải quyết được một vấn đề quan trọng nữa là vấn đề phát huy được nguồn tài nguyên thiên nhiên mang lại cho chúng ta cùng với 100 nghìn người đang sản xuất than. Đó còn là việc tạo ra giá trị gia tăng đối với sản phẩm mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam".
Theo PGS. TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, xu hướng chung, các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Đây là thời kỳ phát triển mạnh về kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao. Trên thế giới, điện năng do nhiệt điện than vẫn là chủ đạo. Khi đất nước trở nên giàu có sẽ tiến đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và hạn chế dần nhiệt điện than. Đồng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Thế Mịch - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên gia Chương trình Năng lượng tái tạo của GIZ phân tích, trong giai đoạn hiện nay, với trình độ công nghệ và tiềm lực tài chính của Việt Nam thì nhà nước vẫn đang lựa chọn điện than hay các nguồn điện hóa thạch làm nguồn điện chính vì đảm bảo tính ổn định, đảm bảo được sản lượng công suất gần như mong muốn. Và trước mắt, nếu không tính đủ tất cả các yếu tố tác động khác thì tạm thời nhiệt điện than vẫn là nguồn điện cho giá thành thấp nhất. Do đó, trong vòng 5-10 năm nữa thì tỷ trọng điện than vẫn còn khá lớn trong tổng sơ đồ sản lượng điện của cả nước. Nhà nước vẫn đang có kế hoạch phát triển hàng loạt các NM điện than, nhưng tôi nghĩ sẽ phát triển các NM điện than với công nghệ tiên tiến, có hiệu suất cao và ít có ảnh hưởng đến môi trường. Đấy cũng là một lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế như Việt Nam chúng ta.
Bộ Công thương - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng khẳng định, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu năng lượng, hiện tại đã phải nhập khẩu điện từ một số quốc gia láng giềng. Nếu không chủ động được nguồn điện để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng.