Tin trong nước

Nan giải “bài toán” giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Thứ sáu, 1/9/2017 | 14:32 GMT+7
Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA) hiện đang diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng. 

Ông Đại Ngọc Giang- Phó Trưởng ban An toàn EVN.
 
Tuy nhiên để giải được bài toán này đang là vấn đề phức tạp. PV có cuộc trao đổi với ông Đại Ngọc Giang – Phó Trưởng ban An toàn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
 
PV: Xin ông đánh giá về thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp của EVN hiện nay ra sao?
 
Ông Đại Ngọc Giang: Nhìn chung tình hình vi phạm HLBVATLĐCA còn diễn biến rất phức tạp, mặc dù EVN và các đơn vị thành viên đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực để giải quyết dứt điểm các vi phạm phức tạp và giảm số vụ vi phạm. Tuy nhiên tính đến ngày 31/12/2016 trong toàn EVN còn tồn tại hơn 4.700 vụ vi phạm, 282 vụ sự cố do vi phạm HLBVATLĐCA và 73 vụ tai nạn trong dân.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình trên diễn ra đặc biệt phức tạp, trong EVN còn hơn 4.900 vụ, 122 vụ sự cố do vi phạm HLBVATLĐCA, 52 vụ tai nạn trong dân.
 
PV: Xin ông cho biết nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm này trong thời gian qua?
 
Ông Đại Ngọc Giang: Trước tiên, phải khẳng định do ý thức của người dân về khoảng cách an toàn theo quy định là chưa tốt. Nhiều tổ chức, cá nhân cố tình lấn chiếm hành lang để cơi nới, xây dựng công trình, nhà ở, sinh hoạt nhưng không hợp tác để giải quyết vi phạm.
 
Một số địa phương chính quyền chưa phối hợp tốt với đơn vị quản lý vận hành trong giải quyết vi phạm. Một số công trình được xây dựng từ khi chưa có quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng nay người dân khiếu kiện đòi bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất hoặc đòi di dời chỗ ở đến nơi khác.
 
Đối với lưới điện truyền tải, địa phương không kịp thời bố trí quỹ đất tái định cư để di chuyển người dân trong hành lang lưới điện 500 kV; một số cá nhân đòi tiền bồi thường cao gấp nhiều lần so với quy định hiện hành, một số nơi quy định về đơn giá chặt tỉa cây chưa phù hợp với thực tế,... dẫn đến nhiều vụ vi phạm kéo dài, rất khó giải quyết.
 
Nguyên nhân của các vụ sự cố và tai nạn của người dân do vi phạm khoảng cách an toàn hành lang, trong đó chủ yếu  do thi công các công trình hạ tầng, lắp đặt biển quảng cáo, thi công kéo cáp thông tin, viễn thông; cải tạo công trình, nhà ở trong hành lang, ngồi câu phía dưới hành lang, chặt tỉa cây trong hành lang,… 
Ngoài ra, công tác quản lý, kiểm tra, tuyên truyền và giải quyết vi phạm về hành lang của một số đơn vị còn chưa tốt, chưa thực sự vào cuộc, còn mang tính hình thức, đặc biệt vẫn còn để xảy ra nhiều sự cố và tai nạn của người dân do vi phạm hành lang.
 
PV:  EVN đã có những giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng trên trong thời gian tới, thưa ông?
 
Ông Đại Ngọc Giang: Trước tình hình trên, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện một số giải pháp để đảm bảo an toàn cho lưới điện và giảm số vụ vi phạm HLBVATLĐCA, trong đó tiếp tục phối hợp cùng với các cấp chính quyền địa phương để vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tính vi phạm và không để phát sinh các vụ vi phạm mới.
 
Đối với các dự án xây dựng đường dây 220/500 kV mới, cần có giải pháp cụ thể để không cho tồn tại công trình, nhà ở trong HLBVATLĐCA 500 kV và tồn tại điểm vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện 220 kV khi đưa công trình vào vận hành;
 
Các Ban quản lý dự án các công trình điện và các đơn vị quản lý vận hành tiếp tục phối hợp giải quyết các vụ vi phạm HLBVATLĐCA (do các Ban quản lý chưa xử lý dứt điểm trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án); 
 
EVN yêu cầu các đơn vị rà soát các điểm vi phạm hành lang để phối hợp xử lý trong quá trình sửa chữa, nâng cấp lưới điện. Đối với các đường dây cao áp được xây dựng đã lâu hiện không có hồ sơ về hành lang tuyến, các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để lập lại hồ sơ, làm cơ sở để giải quyết khi phát sinh vi phạm hành lang; 
 
Ngoài ra, EVN áp dụng các giải pháp kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp, hạ ngầm lưới điện để xóa các vụ vi phạm hành lang. Đồng thời duy trì các biện pháp tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm, hướng dẫn kịp thời cho người dân để nâng cao nhận thức, hiểu biết về những thiệt hại có thể xảy ra cũng như các mối nguy hiểm khi vi phạm HLBVATLĐCA, qua đó giảm số vụ sự cố và tai nạn của người dân do vi phạm hành lang. 
 
Trong mùa mưa bão, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra cây cao trong và ngoài HLATLĐCA để chặt tỉa đảm bảo theo quy định, đồng thời làm việc với các chủ nông trường, trang trại gần hành lang lưới điện cần có biện pháp không để các vật che chắn rau màu bị gió cuốn mắc vào lưới điện gây sự cố. 
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Lê Linh/Icon.com.vn