Mì udon là loại mì rất được ưa thích của Nhật Bản. Mỗi năm các nhà máy sản xuất mì udon thải ra 150.000 tấn mì không đạt tiêu chuẩn và số mì này bị loại bỏ vào những những bãi chôn lấp. Mì udon khi phân hủy sẽ tạo ra khí metan, thành phần chính gây nên hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra giải pháp biến loại khí thải này thành một nguồn điện năng.
Tại nhà máy Chiyoda, mì udon để khô sẽ được trộn với nước trước khi được đưa vào hầm ủ. Số mì udon này sau đó trải qua một quá trình lên men và nhiều giai đoạn chắt lọc khác nhau để cuối cùng thu được một hỗn hợp có 10% là hợp chất ethanol, có thể được dùng để sản xuất các nguyên liệu dầu mỏ. 90% còn lại trong hợp chất có thể sản xuất ra khí sinh học như metan, giúp tạo ra điện.
Quá trình này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và các kỹ sư đang tích cực nghiên cứu để tối ưu hóa. Bên cạnh việc tái chế những sợi mì udon không đạt tiêu chuẩn thành điện năng, các nhà nghiên cứu cũng đang biến những chất lỏng còn lại sau quá trình lên men thành phân bón cho nông nghiệp.
Theo: VTV