Những phát minh công nghệ về tiết kiệm năng lượng của sinh viên

Thứ sáu, 25/4/2014 | 09:15 GMT+7
Nhiều ý tưởng, giải pháp nhằm giúp tiết kiệm năng lượng phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày của sinh viên có tính ứng dụng cao.

Một nhóm sinh viên hào hứng với giải pháp sử dụng pin năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng

Với tình hình nguồn cung năng lượng ngày càng cao thì những giải pháp thông minh và xanh về sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả trở nên vô cùng cấp thiết. Nhiều sinh viên (SV) ở các trường ĐH đã hào hứng chia sẻ các giải pháp sáng tạo về tiêu thụ năng lượng thông minh và tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Cải tiến máy lạnh, máy nước nóng

Lê Hồng Phúc - SV năm 4 Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP HCM - đưa ra sáng kiến “Hệ thống máy lạnh gia dụng dùng nước giải nhiệt kết hợp với máy nước nóng nhằm TKNL và giảm chi phí điện”. Ý tưởng của Phúc là sử dụng nước để làm mát dàn nóng của máy lạnh. Sau khi làm mát thì nguồn nước ấm này sẽ được bơm lên bồn để phục vụ sinh hoạt. Kết quả thử nghiệm giải pháp này cho thấy máy lạnh chạy 24/24 giờ và nước máy sinh hoạt có nhiệt độ ban đầu là 25 độ C, nhiệt độ sau giải nhiệt chọn là 50 độ C thì chỉ cần 0,62 m3 nước từ các bồn trữ nước gia đình (phổ biến có dung tích 1-2 m3) là đủ để phục vụ cho hệ thống này.

Hệ thống máy lạnh - máy nước nóng liên kết cải tiến như trên sẽ tiết kiệm được 40%-50% lượng điện tiêu thụ so với tổng lượng điện dùng cho máy lạnh và máy nước nóng độc lập. Thêm vào đó, hiệu suất làm lạnh của máy lạnh được nâng cao, có thêm nguồn nước nóng để phục vụ sinh hoạt. Giải pháp này đơn giản nhưng hiệu quả, hứa hẹn lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam. Giải pháp của Lê Hồng Phúc đã được đánh giá cao tại cuộc thi “Năng lượng xanh cho cuộc sống” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây.

Ngân hàng năng lượng cho thành phố

SV Nguyễn Thị Thùy Dương và Đặng Mai Anh, Trường ĐH Ngoại Thương TP HCM, lại có ý tưởng TKNL hết sức độc đáo và hiện đại với dự án “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh”. Ý tưởng của dự án là đề xuất áp dụng cơ chế hoạt động của mô hình “ngân hàng” vào quản lý điện nhằm bảo đảm mức độ ổn định về nhu cầu tiêu thụ điện cũng như khuyến khích tiết kiệm điện trên tinh thần “càng tiết kiệm càng có lợi”. Khi triển khai, dự án sẽ giúp quản lý sự chênh lệch về tiêu thụ điện trong một cộng đồng nhỏ (từ 20-100 hộ dân như chung cư, khu dân cư, ký túc xá, tòa nhà văn phòng…).

Hệ thống này có thể liên kết với smartphone/máy tính bảng thông qua mạng internet, đưa ra lời khuyên, cảnh báo cho khách hàng quản lý năng lượng một cách khoa học. Đặc biệt, người dùng có thể bật - tắt các thiết bị điện ở nhà thông qua smartphone hoặc máy tính bảng kết nối internet. Hệ thống giúp cập nhật các số liệu liên quan đến sử dụng điện trên các tài khoản đăng ký của mỗi hộ dân. Khách hàng khi truy cập vào tài khoản này sẽ biết được lượng điện năng nhà mình sử dụng.

Ý tưởng “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh” đã giúp Việt Nam vượt qua 8 quốc gia khác để đại diện cho toàn vùng Đông Á tham dự vòng thi chung kết toàn cầu của cuộc thi “Giải pháp xanh cho thành phố” (Schneider Electric Go Green in the City 2014) diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21-6 tới tại Paris (Pháp).

Xe điện TKNL, bảo vệ môi trường

Với mục tiêu chế tạo một phương tiện vận chuyển TKNL, không khí thải bảo vệ môi trường, SV Bùi Như Nỉ (Khoa Cơ khí ô tô) và Cao Trọng Nghĩa (Khoa Chế tạo máy), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đã tự thiết kế, gia công, lắp ráp chiếc xe điện 4 bánh chở được 6-8 người sử dụng năng lượng mặt trời.

Chiếc xe này sử dụng 4 tấm pin năng lượng đặt trên mui xe có kích thước 750 mm - 1.200 mm, công suất mỗi tấm khoảng 110 W để tạo năng lượng giúp xe hoạt động. Xe được thiết kế có kiểu dáng giống như các mẫu xe điện thường được sử dụng trong những khu du lịch hay sân golf. Xe còn có bộ ắc quy gồm 4 bình loại 70A-12V, lưu trữ điện năng phòng trong trường hợp nguy cấp hết điện năng tự nhiên khi đang di chuyển khi trời không nắng hoặc mưa.

Mẫu xe điện này còn độc đáo ở chỗ có hệ thống thu hồi năng lượng khi hãm phanh được lắp đặt trên động cơ bánh sau, hệ thống này giúp thu hồi năng lượng khoảng 7% cho mỗi lần phanh giúp xe tốn ít năng lượng và tích trữ điện năng để sử dụng lâu dài.

Được biết ý tưởng thiết kế mẫu xe năng lượng mặt trời này đã được chuyển giao cho Khu Công nghệ cao TP HCM để phục vụ chế tạo phương tiện vận chuyển trong nội bộ Khu Công nghệ cao.

46,5% người dân quan tâm đến TKNL

Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM (ECC HCMC, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) tại TP HCM về mức độ quan tâm, hình thức TKNL cho thấy có 46,5% người dân quan tâm, 40% rất quan tâm; người không quan tâm, rất không quan tâm chiếm tỉ lệ nhỏ chỉ có 3,3%. Trong số này thì học sinh, SV có trình độ học vấn thường rất quan tâm đến việc TKNL và chiếm tỉ lệ cao trong số những người được khảo sát về ý thức TKNL.
Theo: Báo Người Lao động