
Mô hình triển khai tập trung.
Trong tương lai, khi hoàn thành đồng bộ cơ sở dữ liệu, việc quản lý vận hành lưới điện trong toàn EVNCPC sẽ được theo dõi trên nền hệ thống GIS với mô hình tập trung tại Trung tâm dữ liệu (Data Center) của EVNCPC.
Hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System) là một công nghệ mạnh mẽ được sử dụng để thu thập, quản lý, phân tích và hiển thị dữ liệu không gian. GIS kết hợp dữ liệu địa lý (bản đồ) với dữ liệu thuộc tính để tạo ra một công cụ hỗ trợ quyết định hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. GIS không chỉ đơn thuần là một bản đồ số mà còn là một hệ thống phức hợp giúp người dùng có thể thực hiện các phân tích không gian, tìm kiếm thông tin và trực quan hóa dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định.
Hiện tại, với mô hình triển khai tập trung thì hệ thống chính sẽ được đặt tại EVNCPC. Các đơn vị kết nối vào hệ thống ở Tổng công ty. Cơ sở dữ liệu được cập nhật vào hệ thống máy chủ lưu trữ như AD server, web server, database server, SAN storage... được đặt tại EVNCPC. Tại các Điện lực, CBCNV sử dụng sẽ kết nối đến hệ thống chính khi cần để cập nhật hay biên tập dữ liệu bản đồ.

Xây dựng và vận hành lưới điện trên nền hệ thống thông tin địa lý – GIS.
Với PC Đắk Lắk, Công ty đang quản lý một khối lượng rất lớn vật tư, trang thiết bị hạ tầng mạng lưới điện của 14 Điện lực và 01 Xí nghiệp Lưới điện cao thế trực thuộc. Kết cấu hạ tầng và thiết bị rộng khắp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, gồm hơn 470 km đường dây 110 kV và 15 TBA 110kV với tổng dung lượng là 820.000 kVA; gần 5.110 km lưới điện trung áp với cấp điện áp 35 kV, 22 kV; 05 trạm biến áp trung gian 35 kV với tổng dung lượng 46.700 kVA; trên 6.900 trạm trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 2.000.000 kVA; 6.400 km lưới hạ áp 0,4kV. Với khối lượng này, các số liệu phải thường xuyên cập nhật và báo cáo về cấp trên nên tốn rất nhiều thời gian, nhân lực. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ GIS vào phục vụ công tác quản lý kỹ thuật tại Công ty là rất cần thiết nhằm đẩy mạnh tin học hóa trong công tác quản lý, giảm bớt thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất.
Theo đề án chung, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS, xây dựng phần mềm quản lý kỹ thuật nhằm quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện tại Đắk Lắk sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho công tác quản lý lưới điện như: Giúp cho các đơn vị quản lý vận hành quản lý đầy đủ các thông tin về hệ thống mạng lưới điện; truy xuất các thông số đo đếm, các thông số vận hành trực tuyến và hướng tới tức thời theo thời gian thực; dễ dàng theo dõi, cập nhật tình trạng và số lượng vật tư thiết bị lưới điện theo tọa độ trên bản đồ số, từ đó nâng cao khả năng vận hành bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị; đưa ra các công cụ hỗ trợ hiệu quả cán bộ quản lý trong công tác sản xuất kinh doanh, quy hoạch hạ tầng điện lực và các vấn đề có liên quan; truy xuất các số liệu báo cáo theo các mẫu biểu quản lý kỹ thuật lưới điện cho các cấp theo quy định nhanh chóng và chính xác; nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tổn thất và suất sự cố trên lưới điện; cho phép cập nhật, quản lý và lưu trữ thông tin về thiết kế tuyến đường dây truyền tải và phân phối mới…
Ngoài ra, do quy mô hệ thống lớn, dữ liệu sẽ được lưu trữ tập trung, có thiết bị lưu trữ chuyên dụng nên độ an toàn dữ liệu cao hơn, dễ tận dụng hệ cơ sở dữ liệu để khai thác cho nhiều ứng dụng. Nó cũng giúp giảm tối đa số lượng kỹ sư vận hành tại các Công ty Điện lực thành viên, nhờ đó giảm đáng kể nhân sự vận hành hệ thống trong toàn EVNCPC. Các máy chủ đặt tại Data Center được quản lý trong môi trường phòng máy đạt tiêu chuẩn nên sẽ đảm bảo tuổi thọ, tiết kiệm điện và diện tích, đồng thời đạt hiệu suất hoạt động cao hơn so với mô hình đặt phân tán.
Đối với công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện, GIS cho phép lưu trữ và hiển thị thông tin với tỷ lệ khác nhau, giúp người sử dụng có thể dễ dàng quản lý tài sản lưới điện cũng như cung cấp các thông tin về đường dây, trụ điện, máy biến áp và các thiết bị điện khác. Bên cạnh đó, GIS cũng hỗ trợ tích cực trong việc vận hành lưới điện như, quản lý hành lang an toàn lưới điện, quản lý khách hàng, khắc phục nhanh sự cố mất điện.
Tuy nhiên, mô hình tập trung cũng có mộ số nhược điểm như chi phí đầu tư hạ tầng chuyên dùng tại Data Center tốn nhiều chi phí hơn, việc vận hành hệ thống đòi hỏi những cán bộ kỹ thuật với năng lực cao để tránh cho các Công ty Điện lực bị động trong quá trình triển khai… Để có thể triển khai thành công việc ứng dụng GIS trong công tác quản lý vận hành lưới điện, đòi hỏi phải có kế hoạch xây dựng và đầu tư công nghệ theo mô hình được lựa chọn, từ mức độ thấp đến mức độ cao nhất.
Mặc dù việc triển khai sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng với chủ trương đúng đắn, hợp với xu thế chung, PC Đắk Lắk sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng trên nền tảng GIS để ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành. Các bước sẽ bám sát lộ trình chuyển đổi số mà EVN, EVNCPC hướng dẫn, đề ra.