
Tăng cường bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trong những năm qua, công tác quản lý hành lang an toàn lưới điện, giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp được Công ty Điện lực Hậu Giang xác định là một trong những nội dung rất quan trọng. Bởi nếu không may xảy ra sự cố có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành, cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Nghiêm trọng hơn, các rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự an toàn về con người và tài sản.
Ông Nguyễn Khoa Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang cho biết, song hành với các giải pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được đơn vị đặc biệt chú trọng và triển khai với nhiều hình thức đa dạng như phát tờ rơi, cẩm nang… tại các buổi họp, sinh hoạt tổ dân, khu phố trên địa bàn về an toàn điện.
Ông Long chia sẻ: “Chúng tôi tuyên truyền người dân không được tự ý tiến hành chặt, tỉa cây gần hoặc xung quanh hành lang an toàn lưới điện cao áp. Khi thấy cây mọc cao gần chạm vào hoặc chạm vào lưới điện cao áp thì lập tức báo ngay cho đơn vị quản lý để có biện pháp xử lý. Người dân tuyệt đối không được đến gần đụng hoặc chạm vào cây nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Bên cạnh đó, không được trồng cây quá cao gần đường dây điện”.
Trong trường hợp, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chặt, tỉa cây xung quanh lưới điện cao áp thì cần thông báo trước cho đơn vị quản lý lưới điện để đảm bảo an toàn. Không được sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành lưới điện. Không được nổ mìn, xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học gây ăn mòn các bộ phận của công trình điện… Không thả diều, bong bóng, đèn trời, thiết bị điều khiển từ xa (Drone, Flycam…) gần lưới điện cao áp đang vận hành. Phương tiện bay có phép cũng không được bay trong phạm vi 500m tính từ mép ngoài lưới điện cao áp hoặc 100m với lưới trung áp, trừ khi làm nhiệm vụ điện lực. Không dựng biển báo, bảng quảng cáo, hộp đèn… có nguy cơ ngã va chạm vào lưới điện. Nếu có nhu cầu lắp đặt gần lưới điện, phải liên hệ ngành điện để được hướng dẫn.
“Khi xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà cửa hoặc công trình gần lưới điện cao áp, tổ chức, cá nhân phải liên hệ với điện lực địa phương để kiểm tra, thống nhất biện pháp an toàn. Cần tuân thủ nghiêm Nghị định 62/2025/NĐ-CP về bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện. Chủ công trình, chủ xưởng, lái xe cẩu hoặc thiết bị nâng làm việc gần hoặc dưới lưới điện cao áp bắt buộc phải phối hợp với ngành điện để đảm bảo không vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện”, ông Nguyễn Khoa Hải Long chia sẻ thêm.
Các biện pháp đề phòng tai nạn điện
Song song với công tác tuyên truyền, ngành điện Hậu Giang luôn quan tâm theo dõi và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên bám sát công tác kiểm tra hiện trường. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Hậu Giang cũng khuyến cáo việc tuân thủ nghiêm các quy tắc an toàn điện trong sinh hoạt và lao động cũng là yếu tố then chốt để phòng ngừa tai nạn.
Trong đó, người dân cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc phòng tránh tai nạn điện, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu, không đứng dưới cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông sét. Không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao… để đề phòng điện giật do rò điện khi trời mưa, giông, bão. Không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại gần đường dây điện để tránh va chạm gây nên phóng điện dẫn đến tai nạn.
Không dùng điện để rà cá, bẫy chuột, chống trộm cắp… Không tự ý sửa chữa điện của gia đình nếu không có kiến thức về điện. Nên lắp cầu dao hay aptomat và thiết bị bảo vệ dòng rò ở đầu đường dây điện chính trong nhà. Dây điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện. Nên nối đất vỏ kim loại các thiết bị điện trong nhà như: vỏ tủ lạnh, vỏ máy nước nóng, máy giặt… Khi bị mưa ngập thì nên ngắt cầu dao điện, aptomat toàn bộ nhà, đề phòng nước ngập các ổ điện, rò điện gây nguy hiểm.
“Khi thấy trụ điện ngã đổ hoặc dây điện đứt, rơi xuống đất, ao, hồ... thì người dân không được đến gần quá 10m, không cầm, nắm vào dây điện và ngăn ngừa không cho người khác (kể cả súc vật) đến gần. Đồng thời nhanh chóng báo ngay cho đơn vị quản lý điện hoặc chính quyền địa phương gần nhất biết để có biện pháp xử lý. Khi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thông tin quan trọng về hành vi vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp và tai nạn điện trong nhân dân, đề nghị liên hệ số điện thoại Tổng đài: 19001006 hoặc 19009000 để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết”, ông Nguyễn Khoa Hải Long nhấn mạnh.
Theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31-01-2022 của Chính phủ quy định: Phạt 5-10 triệu đồng như trồng cây, lắp đặt vật dụng, thả diều... vi phạm an toàn lưới điện. Phạt 10-20 triệu đồng gồm tự ý sử dụng lưới điện hoặc xây dựng trong hành lang an toàn mà không thỏa thuận. Phạt 60-70 triệu đồng đối với vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện; làm hư hỏng lưới điện do ném, bắn vật thể. Phạt 70-80 triệu đồng gồm xếp chứa chất cháy, nổ, ăn mòn trong hành lang lưới điện. Phạt 90-100 triệu đồng đối với đào đất, nổ mìn, dùng thiết bị gây lún, nghiêng, hư hỏng công trình điện. |
Link gốc