Tin trong nước

Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Thứ sáu, 1/9/2017 | 10:55 GMT+7
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt nam tổ chức Hội thảo về “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam”. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nội dung hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến phát triển nhiệt điện than đang được xã hội quan tâm, như: vai trò của nhiệt điện than trong Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam, sự lựa chọn công nghệ và các giải pháp bảo vệ môi trường... Hội thảo diễn ra trong bối cảnh việc xử lý tro xỉ của một số nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 hay Nhiệt điện Vĩnh Tân đang gặp rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. 
 
Nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ nhiệt điện than ngày càng phát triển có thể xử lý tối đa các nguồn phát thải, từ các loại khí thải đến chất thải rắn. Song, tất cả các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý tham gia hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” đều cho rằng, mối lo ngại lớn nhất hiện nay của Việt Nam chính là vấn đề chất thải rắn - tức là việc xử lý tro xỉ. 
 
TS. Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng tính toán, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 sẽ là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn, tạo ra những thách thức cho đất nước phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa. 
 
Trường hợp của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đang là một thực tế. Ông Nguyễn Tiến Thảnh - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương cho biết, Công ty Nhiệt điện Mông Dương cũng đã tìm mọi cách để tái sử dụng tro xỉ và đã sử dụng được toàn bộ lượng xỉ đáy, chiếm khoảng 40% (khoảng 400.000 tấn/năm. Còn lại khoảng 600.000 tấn/năm của lượng tro bay chưa tái sử dụng được. Vừa rồi, Bộ Xây dựng cũng đã giao cho Viện KHCN xây dựng đưa ra tiêu chuẩn về san lấp nền, Công ty nhiệt điện Mông Dương đã nghiên cứu kỹ, nếu mà tiêu chuẩn này cũng rất khó mà áp dụng được, bởi vì theo Nghị định 18/2005/NĐ-CP về lập quy hoạch và đánh giá tác động môi trường thì cứ san lấp nền từ 100.000m3 trở lên phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, mất rất nhiều thời gian. 
 
Công ty đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho phép quy hoạch bãi thải xỉ số 2, tuy nhiên, về phía Bộ Tài nguyên môi trường, ở giai đoạn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ cũng gặp khó khăn. Hơn nữa, hồ thải xỉ của NM nhiệt điện Mông Dương 1 nếu theo đúng thiết kế thì bây giờ NM đã phải đóng cửa, nhưng thời gian vừa rồi sau khi sử dụng các biện pháp giải quyết được phần được tro xỉ đáy thì chỉ còn được khoảng 8 tháng nữa thôi. Nếu NM nhiệt điện Mông Dương 1 đóng cửa thì số vốn đầu tư của nhà nước là 37.000 tỷ, mỗi năm cả tiền lãi và vốn khấu hao khoảng 1.800 tỷ. Hơn nữa, toàn bộ hệ thống than của Mông Dương 1 và Mông Dương 2 là dùng chung, do Mông Dương 1 vận hành 25 năm miễn phí. Do vậy, nếu Mông Dương 1 đóng của thì Mông Dương 2 cũng đóng cửa theo (Mông Dương 2 được đầu tư theo hình thức BOT). Như vậy thì mỗi ngày Chính phủ phải trả cho Mông Dương 2 khoảng 600.000USD – là rất khó khăn. Ngoài ra, việc tái sử dụng tro xỉ cũng cần phải có kinh phí. Công ty cũng đang tìm cách, nhưng theo Thông tư 56 về cách xác định giá điện thì lại chưa có kinh phí cho việc tái sử dụng tro xỉ này...
 
Theo ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, trong khi ở các nước có nhà máy nhiệt điện, tro xỉ được coi như nguồn tài nguyên quý và được sử dụng triệt để thì ở ta, nhiều văn bản quy định khi ban hành không được nghiên cứu kỹ nên đã tự trói buộc, gây khó khăn cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường.
 
"Trước đây, xỉ thải của các NM nhiệt điện ở phía Bắc hầu như không có để bán. Thế nhưng từ khi Nghị định 38/CP và Tiêu chuẩn 22 ra đời đã coi tro xỉ thải của các NM nhiệt điện là chất thải công nghiệp cho nên dẫn đến là phải xử lý, thậm chí phải cấp giấy phép cho cả những người vận chuyển, rất nhiều thủ tục cho nên dẫn đến bị tồn ứ. Chúng ta phải quy định như thế nào để thuận lợi cho việc này chứ quy định như vậy dẫn đến muốn vận chuyển được tro xỉ ra ngoài là phải áp dụng đúng như việc vận chuyển chất thải công nghiệp rất nhiêu khê, rồi những người muốn sử dụng cái đó cũng lại phải có giấy phép (giấy phép cho DN được xử lý chất thải), quá nhiều giấy phép. Mà hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang kêu gọi phải rà soát cắt bỏ những cái này. Đây chính là cản trở chính cho bản thân các NM nhiệt điện hiện nay"- ông Tịnh cho biết.
 
Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục an toàn môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương nêu thực tế về những quy định ngặt nghèo của Nghị định 38 của Chính phủ đưa tro xỉ nhiệt điện than vào danh mục quản lý chất thải và phế liệu.
 
"Thế giới khẳng định trò xỉ như một nguồn tài nguyên. Bộ Công thương xác định rõ phải bảo vệ môi trường và ban hành chỉ thị số 11 về bảo vệ môi trường. Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo rõ việc phải tuân thủ các yêu cầu này"- ông Trần Văn Lượng cho biết.
 
Qua kiểm tra, thanh tra thực tế các nhà máy nhiệt điện than, đòi hỏi phát triển nhiệt điện than đáp ứng nhu cầu điện gắn với bảo vệ môi trường, ông Hoàng Công Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường - Bộ Tài Nguyên Môi trường khẳng định, tro xỉ đang là bài toán hết sức nan giải của ngành điện cần được tháo gỡ kịp thời.
 
"Đối với tro xỉ thì đây là một bài toán hết sức nan giải. Hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ xây dựng và bản thân Bộ Tài nguyên môi trường hiện nay cũng đang trông chờ vào Bộ Xây dựng để làm sao sử dụng được tro xỉ, tro bay và xỉ đáy của các NM nhiệt điện để ứng dụng vào làm vật liệu xây dựng trong các ngành, từ phụ gia xi măng cho đến vật liệu xây dựng, dùng để san lấp vì đây là điều hết sức cấp bách và cần thiết".
 
Hiện nay Việt Nam đã nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Nếu không chủ động được nguồn điện để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu điện – Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội. Theo ông Lê Hồng Tịnh, sự phát triển nhiệt điện than được xác định trong Quy hoạch điện 7 (được điều chỉnh) là phù hợp khi không thực hiện xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện phải đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại gắn với xử lý môi trường. Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với việc sử dụng tro xỉ. Cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, trong đó có Nhật Bản khi sử dụng tới 90% tro xỉ của các Nhà máy nhiệt điện. Muốn vậy, cần sửa đổi ngay Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu để “cởi trói” cho tro xỉ, đưa tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than trở thành nguồn tài nguyên có ích trong ngành các xây dựng và kinh tế.
Nguyên Long/Icon.com.vn