
Dự án điện gió đã đi vào hoạt động ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ
Tiên phong trong thị trường tín chỉ carbon
Ông Hà Sỹ Đồng - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nói rằng, Quảng Trị đang là địa phương tiên phong trong khai thác và kinh doanh tín chỉ carbon từ rừng và thảm cỏ biển.
Hiện, tỉnh có 285.878ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 60,8% diện tích toàn tỉnh, trong đó khoảng 20.000ha rừng tự nhiên đã được giao cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Đặc biệt, 5 cánh rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý đã đạt chứng nhận phát triển và quản lý rừng bền vững (FSC), với diện tích gần 2.145ha, giúp hấp thụ 7.000 tấn CO2/năm và lưu trữ khoảng 350.000 tấn CO2.
Năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương thí điểm tham gia thị trường tín chỉ carbon theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tỉnh đã thu về hơn 51 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon và số tiền này sẽ được sử dụng để bảo vệ rừng, trồng rừng và hỗ trợ cộng đồng dân cư.
Ngoài rừng, Quảng Trị còn là tỉnh đầu tiên trên cả nước nghiên cứu khả năng bán tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển. Cỏ biển không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà còn có khả năng lưu trữ CO2 gấp 2-3 lần so với rừng thường xanh. Tỉnh đã triển khai nghiên cứu tại các khu vực Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ để xác định trữ lượng carbon và định giá trị của hệ sinh thái này.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị, giá trị kinh tế từ thảm cỏ biển toàn cầu ước tính khoảng 3,8 nghìn tỉ USD, với giá tín chỉ carbon cao hơn đáng kể so với tín chỉ từ rừng. Việc khai thác tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển sẽ mở ra một hướng đi mới giúp tỉnh tăng thu nhập, đáp ứng các cam kết giảm phát thải và thúc đẩy kinh tế xanh.
Để đảm bảo điều kiện tham gia thị trường carbon và phát triển bền vững, Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ CO2 trong lĩnh vực năng lượng, nông, lâm nghiệp và sử dụng đất. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ để mở rộng các chương trình giảm phát thải khí nhà kính.
Năng lượng tái tạo là bước đi bền vững
Với khí hậu đặc thù, Quảng Trị sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển năng lượng sạch. Theo khảo sát, tốc độ gió trung bình tại khu vực phía Tây tỉnh đạt hơn 7m/s, tổng giờ nắng bình quân lên đến 1.910 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 4,35kWh/m2/ngày. Nhờ đó, tỉnh đã mạnh dạn kêu gọi đầu tư và triển khai nhiều dự án, biến lợi thế “nắng to, gió lớn” thành nguồn năng lượng bền vững.
Đến đầu năm 2025, Quảng Trị đã đưa vào vận hành thương mại 20 dự án điện gió với tổng công suất 742,2 MW, 11 dự án thủy điện với công suất 167,5 MW, 3 dự án điện mặt trời đạt 119,6MW cùng hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 90,2MW. Tổng công suất các dự án điện đã đi vào hoạt động đạt hơn 1.100MW, khẳng định vị thế trung tâm năng lượng khu vực.
Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh đặt mục tiêu phát điện thương mại khoảng 6.000 - 10.000MW, tập trung phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện khí tự nhiên và khí LNG. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và các chương trình hành động liên quan đến chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Trong đó, tập trung chủ yếu phát triển điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, nhiệt điện khí tự nhiên và khí LNG.
Với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và thị trường tín chỉ carbon, Quảng Trị đang khẳng định vị thế là một địa phương tiên phong trong phát triển kinh tế xanh, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Link gốc