Diễn đàn năng lượng

Tăng cường hợp tác khí thiên nhiên hóa lỏng cho sản xuất điện giữa Việt Nam – Na Uy

Thứ hai, 4/11/2019 | 09:41 GMT+7
Ngày 4/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Bộ phận Thương vụ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về khí thiên nhiênn hóa lỏng (LNG) Na Uy – Việt Nam.
 

Đại diện EVN phát biểu tại Hội thảo.
 
Tham dự Hội thảo có Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen; Tham tán thương mại Na Uy, Giám đốc Bộ phận Thương vụ, ông Arne-Kjetil; Giám đốc Midstream & LNG của tổ chức Đối tác Năng lượng Na Uy (Norwegian Energy Partner), đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, Tổng công ty Phát điện 1 tham dự Hội thảo.
 
Hội thảo có sự góp mặt của 9 công ty/tổ chức hàng đầu của Na Uy về khai thác, vận chuyển và phát triển LNG thành điện.
 
Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính: LNG cho điện năng, và phân phối LNG quy mô nhỏ cho người dùng cuối trong ngành công nghiệp như nhà máy điện, sản xuất hóa chất, phân bón v.v…, Hội thảo là diễn đàn giúp các công ty Na Uy tìm kiếm đối tác trong nước để đầu tư và phát triển các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho ngành LNG của Việt Nam, gồm cơ sở thiết bị và các trạm đầu mối LNG, FSRU (Tàu Vận chuyển và Lưu trữ LNG), nhà máy điện LNG nổi, các tàu và thiết bị phân phối LNG quy mô nhỏ, các phương án tài chính khả thi cho dự án LNG v.v…. Sự kiện cũng là cơ hội thúc đẩy đối thoại tích cực giữa các nhà sản xuất, nhà tiêu dùng LNG và các bên liên quan, qua đó tăng cường hiểu biết chung về các xu thế của thị trường LNG toàn cầu và tìm hiểu cơ hội hợp tác.
 
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025 - 2030 Việt Nam sẽ cần xây mới các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất từ 15.000 - 19.000 MW để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước. 
 
Trong khi đó, theo dự báo, sau năm 2020, nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và do việc chậm triển khai các mỏ khí mới. Chính vì vậy, cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam. 
 
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2035 dự báo giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1 - 4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm, tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm sau đó. Khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh cho ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau. Điều này khiến thị trường LNG ở Việt Nam trở nên “sôi động” hơn bao giờ hết. 
 
Na Uy và Việt Nam là hai nước có đường bờ biển dài và diện tích tương đương nhau. Cả hai đều có ngành công nghiệp dầu khí. Tuy nhiên, trong khi Na Uy là nước xuất khẩu thuần năng lượng, thì Việt Nam đang có xu hướng nhập khẩu thuần năng lượng. 
 
Đi đầu với những giải pháp về LNG, các doanh nghiệp LNG của Na Uy hoạt động ở từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất LNG, tới khí hóa, vận chuyển, và sản xuất điện từ LNG. Đặc biệt, Na Uy là nước đầu tiên trên thế giới phát triển các trạm LNG nổi, vừa hiệu quả về chi phí, tin cậy về giải pháp, và được thi công trong một thời hạn ngắn. Na Uy cũng nổi tiếng với những giải pháp xây dựng tàu quy mô nhỏ để vận chuyển LNG từ trạm tới người dùng cuối trong ngành công nghiệp gồm các nhà máy điện công suất nhỏ, các cơ sở hóa chất, sản xuất phân bón v.v…
 
“LNG là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất. Trong bối cảnh bối cảnh chuyển đổi cơ cấu năng lượng hiện nay ở Việt Nam và toàn khu vực, LNG là một phương án thay thế tuyệt vời cho than, nhất là từ góc độ giảm thiểu ô nhiễm không khí. Na Uy là một trong những quốc gia đi đầu với những giải pháp công nghệ cao và thông minh cho toàn chuỗi cung ứng LNG.  Các công ty Na Uy có rất nhiều kiến thức, chuyên môn, công nghệ trong lĩnh vực này và sẵn sàng chuyển giao cũng như chia sẻ với Việt Nam”, Đại sứ Na Uy Grete Lochen nói trong bài phát biểu khai mạc. 
Lê Linh/Icon.com.vn