Ý tưởng công nghệ xanh táo bạo

Thứ sáu, 16/5/2014 | 09:42 GMT+7
Biến đổi khí hậu, bế tắc giao thông, khủng hoảng đói nghèo: vấn đề đặt ra trong thế kỷ này có lẽ là làm thế nào để bảo đảm sự sống còn của nhân loại. Vấn đề càng lớn bao nhiêu thì các giải pháp càng phải có tầm nhìn lớn bấy nhiêu. Sau đây là những ý tưởng công nghệ nổi bật của các nhà khoa học sáng chế nhằm thay đổi thế giới.

Eduard Heindl: Biến núi thành bình ắc quy
 

Theo các nhà khoa học, một tảng đá đè lên một cột nước có thể tích một lượng điện lên đến hai Terawatt/giờ năng lượng – tương đương lượng điện mà cả nước Đức tiêu thụ trong khoảng 30 giờ đồng hồ.

Để chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, nước Đức phải dịch chuyển những quả núi, đúng như nghĩa đen của từ đó. Đây là đề nghị của nhà khoa học ĐH Khoa học ứng dụng Furtwangen. Nhà vật lý này có ý định xây một công trình tích năng lượng khổng lồ bằng đá hoa cương, và đây sẽ là công trình nổi bật vì sự đồ sộ tương tự như Ayers Rock ở Australia.

Ông Heidl dự kiến dùng thiết bị khoan đường hầm và máy cưa đá để tách một khối đá hoa cương hình trụ (hoặc hình ống), có chiều cao trên 500 mét và đường kính một kilômét. Những kẽ hở và bề mặt của khối đá này sẽ được trát thật phẳng để bảo đảm độ khít. Lượng điện dư thừa từ các cột điện gió và từ tế bào quang điện bảo đảm cho hoạt động của cỗ máy bơm khổng lồ này, trụ đá nén khối nước khổng lồ ở bên dưới để từ đó đẩy trụ lên hàng trăm mét. Khi lưới điện cần năng lượng – thí dụ khi lặng gió – nước sẽ chảy bên dưới trụ đá hoa cương và làm cho turbine hoạt động.

Chi phí xây dựng cái gọi là kho lưu trữ năng lượng này có thể lên tới cả tỷ Euro và có thể tích được khoảng 2.000 Gigawatt giờ điện – nhiều gấp 40 lần lượng điện lưu trữ của tất cả các nhà máy bơm tích điện hiện nay của nước Đức và bằng lượng điện mà nước Đức tiêu thụ trong một ngày.

Yasuyuki Fukumuro: Tạo ra điện trên không gian
 

 
Vị trí tốt nhất để làm nhà máy điện mặt trời ở đâu? Theo Yasuyuki Fukumuro, phụ trách dự án Space Solar Power Systems thuộc Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Nhật bản Jaxa, thì vị trí thích hợp nhất để đặt nhà máy điện mặt trời là trên quỹ đạo trái đất. Đây là nơi luôn chói chang ánh sáng mặt trời, không bao giờ có mây che phủ – đó là những đặc điểm nổi bật của vị trí này.

Fukumuro dự định sẽ truyền tải điện thông qua tia vi sóng tới một trạm trên mặt đất. Một nghiên cứu của International Academy of Astronautics cho hay, từ 10 đến 20 năm tới có thể xây dựng nhà máy điện đầu tiên trên quỹ đạo.

Tuy nhiên việc bắn các tế bào quang điện lên vũ trụ bằng tên lửa có hiệu quả hay không, đây còn là chuyện rất xa vời. Một điều chắc chắn phải được giải quyết là làm sao để giảm đáng kể trọng lượng của tế bào quang điện, hay sản xuất chúng thông qua máy in ngay trên vũ trụ.

Michael Sterner: Tàu thuỷ trở thành máy phát điện

Hiện đã có một số ý tưởng về việc khai thác năng lượng từ biển cả. Tuy nhiên chưa có phương án nào tiến xa như phương án của Michael Sterner, giáo sư về tích năng lượng và hệ thống năng lượng thuộc ĐH Khoa học ứng dụng Regensburg, Đức. Ông dự định dùng những tàu thuỷ dài khoảng 100 mét điều khiển bằng computer hoạt động trên Bắc Đại tây dương để tạo ra khí hydro.

Ngay khi có gió đẩy tàu chạy, dòng nước sẽ làm cho turbine tích hợp trong con tàu tạo ra điện từ đó thông qua điện phân để sản xuất khí hydro. Sterner cho rằng, trong điều kiện thuận lợi về gió, con tàu có thể tạo ra năng lượng ổn định dưới dạng khí hydro và tích trong những thùng lớn. Sau đó, khí hydro sẽ được bơm sang những thùng lớn trên bờ và nguồn năng lượng này có thể sử dụng thí dụ với ô tô chạy bằng khí hydro.

Cánh buồm là những Flettnerrotor, đây là những turbine gió dạng thẳng đứng. Một con tàu có thể tạo ra hai Megawatt điện. Các bộ phận cấu thành hiện đã có – giờ cần có người đứng ra đóng con tàu năng lượng đầu tiên này.

Edmund Kelly: Nhà máy điện mặt trời bồng bềnh
 

 
Thông thường các nhà máy điện mặt trời có năng suất cao hơn khi được mặt trời chiếu sáng nhiều hơn. Vì vậy từ lâu các nhà khoa học đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên sa mạc và thậm chí cả trên không gian. Nhà nghiên cứu Edmund Kelly ở California và doanh nghiệp khởi nghiệp Stratosolar của ông đang tính đến một phương án mới: xây dựng các nhà máy điện mặt trời và neo lơ lửng trên tầng bình lưu.

Những quả bong bóng khổng lồ chứa hàng nghìn tấn khí nhiên liệu mang theo những tế bào quang điện mỏng dính lên bầu trời ở độ cao 20km.

Đây là nơi mặt trời chiếu sáng liên tục suốt cả ngày, không có gió và không khí rất lạnh do đó hiệu suất của điện mặt trời ở đây cao hơn nhiều so với ở trên mặt đất. Dòng điện từ quả bóng quang điện trên không khổng lồ được truyền qua giây cáp xuống trái đất, dây cáp này đồng thời cũng là giây neo bong bóng. Theo tính toán của nhà nghiên cứu Kelly, mặc dù chi phí xây dựng cực kỳ lớn nhưng giá thành điện mặt trời trên tầng bình lưu rẻ hơn gấp ba lần so với giá thành điện mặt trời trên trái đất hiện nay.

Neil Palmer: Tái tạo điện từ những tia chớp
 

 
Bầu khí quyển trái đất có điện tích cực lớn. Mỗi ngày trên thế giới có tới ba triệu tia chớp trên bầu trời. Một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Southampton (Anh) do nhà vật lý Neil Palmer đứng đầu cùng với các nhà nghiên cứu của hãng chế tạo điện thoại di động Phần Lan Nokia đã xem xét khả năng tận dụng năng lượng này để vận hành các thiết bị điện trong cuộc sống của chúng ta.

Các nhà khoa học đã tạo được những tia chớp mạnh 200.000 Volt ở trong phòng thí nghiệm, họ dùng một thiết bị thu chuyên dụng để tiếp nhận nguồn năng lượng này và nạp dòng điện vào một Lumia-925-Smartphone, mà không làm tổn hại đến chiếc điện thoại di động. Cũng với cách tương tự, các nhà nghiên cứu khác cũng sử dụng những cột tháp khổng lồ để bắt các tia chớp và từ đó gặt hái điện từ không khí. Vấn đề là ở chỗ: việc này diễn ra như thế nào và liệu có hiệu quả hay không, đây vẫn là những câu hỏi còn để ngỏ.

Louis Michaud: Lấy điện từ những cơn lốc xoáy
 

 
Lốc xoáy là nỗi kinh hoàng với rất nhiều người. Riêng kỹ sư Louis Michaud người Canada lại thấy lốc xoáy cực kỳ hấp dẫn đến mức ông tìm cách tạo ra chúng. Viên kỹ sư này muốn cùng doanh nghiệp khởi nghiệp Avetec của mình xây dựng các nhà máy điện tạo lốc xoáy để làm ra điện. Ông sử dụng nguồn khí thải nóng từ các nhà máy luyện thép hay nhà máy nhiệt điện cho chạy qua những ống khói cao và không khí bốc lên cao theo chiều xoắn ốc.

Không khí bên ngoài lạnh hơn nên phía trên ống khói hình thành một lực hút xoáy, điều này tạo ra một lốc xoáy cao khoảng 40 mét. Nhà nghiên cứu Michaud hy vọng năng lượng hình thành ở đây đủ để vận hành một turbine ở dưới chân tháp và từ đó tạo ra điện.

Bằng cách này có thể dùng khí thải nóng của một nhà máy điện chạy than công suất 500 Megawatt tạo ra lốc xoáy trong tháp thêm một lượng điện lên tới 200 Megawat.

Kỹ sư Michaud đã nhận được một sự hỗ trợ đắc lực của Peter Thiel, nguyên CEO ở PayPal và là nhà đầu tư số một tại Facebook - ông này đóng góp 300.000 đôla để xây dựng một nguyên mẫu.
 
Theo: Khoa học