Trong đợt kiểm tra tổn thất điện năng tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) Công ty Ðiện lực Thanh Oai đã phát hiện dấu hiệu câu móc trộm điện tại một hộ gia đình ở thôn Tê Quả, xã Tam Hưng. Với cách làm khá tinh vi, gia đình này đã kéo đoạn cáp điện trước công-tơ vào bên trong tấm lưới B40 vốn là rào chắn và dùng hai chiếc kẹp chích vỏ ngoài dây dẫn để lấy trộm điện.Ảnh: LÊ DŨNG
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Năm 2013, CTÐL Hưng Yên thuộc Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc (EVNNPC), phát hiện và xử lý 251 vụ TCÐ, truy thu điện năng hơn 1,14 triệu kW giờ, tương đương 3,19 tỷ đồng. Công ty cũng phúc tra và phát hiện 810 trường hợp hư hỏng hệ thống đo đếm (HTÐÐ), truy thu điện năng hơn 1,152 triệu kW giờ, tương đương 1,184 tỷ đồng. Bảy tháng đầu năm 2014, con số này là 94 vụ và truy thu sản lượng 136.437 kW giờ với 368,6 triệu đồng. Tại Hải Phòng, từ đầu năm 2014 đến nay, CTÐL Hải Phòng đã phát hiện sáu vụ, mới xử lý được bốn vụ và truy thu được 15.437 kW giờ, tương đương 57,2 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn miền trung, Tây Nguyên, Tổng Công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) đã phát hiện và xử lý 3.200 vụ vi phạm sử dụng điện, gấp ba lần so cùng kỳ năm 2013. Sản lượng điện bồi thường gần một triệu kW giờ, tương đương hơn 5,6 tỷ đồng. Tại 21 tỉnh, thành phố khu vực phía nam do Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam (EVNSPC) quản lý, tình trạng TCÐ cũng phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Bảy tháng đầu năm 2014, các CTÐL thành viên tại các tỉnh đã kiểm tra phát hiện và lập 986 biên bản vi phạm TCÐ với tổng số tiền hơn chín tỷ đồng. Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, bảy tháng đầu năm 2014, số vụ vi phạm TCÐ lên tới 454, truy thu 4,74 triệu kW giờ...
Tình trạng TCÐ diễn biến hết sức phức tạp, phổ biến là: câu móc trực tiếp trước đồng hồ đo điện (ÐHÐÐ); can thiệp vào hệ thống mạch đo làm sai lệch sơ đồ nguyên lý hoạt động HTÐÐ. Phương thức, thủ đoạn TCÐ ngày càng tinh vi, khó phát hiện như: dùng khoan siêu nhỏ phá niêm phong chì, từ đó can thiệp HTÐÐ (như thay bánh răng, thay điện trở...), sau đó làm giả niêm phong chì; đảo sơ đồ của mạch đo đảo trung tính trên lưới, lấy nguội ngoài; sử dụng nam châm vĩnh cửu cực mạnh đặt trên điện kế làm cho HTÐÐ không chính xác, sử dụng máy tạo dòng... Những đối tượng thực hiện việc trên thường là những người hiểu biết về chuyên ngành điện. Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu chuyên móc nối, gạ gẫm để bán cho người dân các thiết bị tiết kiệm điện (máy tạo dòng, nam châm...) mà thực chất là để TCÐ mà cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý được. Qua điều tra, được biết, các đối tượng thường gạ khách hàng 10 triệu đồng/vụ để cài đặt các thiết bị.
Phó phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện, CTÐL Hải Phòng Nguyễn Xuân Thụ cho chúng tôi biết, điển hình ở Hải Phòng là vụ TCÐ của một doanh nghiệp sản xuất thép ở Khu công nghiệp Cầu Vàng (huyện An Lão), bằng thủ đoạn tinh vi can thiệp dòng nhị thứ, làm chập, ngắn mạch dòng... đã ăn cắp hai phần ba sản lượng điện. Ông Thụ cũng cho chúng tôi xem các tang vật mà các đối tượng TCÐ sử dụng rất đơn giản nhưng lại ăn cắp được khá nhiều điện. Thậm chí, rất khó bắt tận tay vì hộp ÐHÐÐ treo bên ngoài nên đối tượng... chối bay. Trước tình trạng báo động nêu trên, đơn vị phải soạn thảo một cuốn cẩm nang tổng kết lại những thủ đoạn đó và phổ biến trong ngành điện (lưu hành nội bộ). Nhận thức của người dân nhiều nơi chưa chuyển biến, vẫn coi hành vi TCÐ chỉ như "dùng của chùa", vẫn mang tâm lý bị phát hiện thì nộp phạt là cùng...
Công tác chống TCÐ vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo CTÐL Hải Phòng, đơn vị phối hợp các lực lượng chức năng địa phương phát hiện, xử lý nhiều vụ TCÐ, tuy nhiên, có những vụ, tính chất nghiêm trọng song, vẫn chưa bị đưa ra xét xử, chưa có tác dụng răn đe. Sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực tại các địa phương chưa hiệu quả do chưa có ràng buộc hoặc quy định cụ thể về nhiệm vụ phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước với đoàn kiểm tra của CTÐL để làm chứng quá trình kiểm tra xử lý khách hàng TCÐ. Về mặt pháp lý, việc khởi tố các trường hợp TCÐ gặp trở ngại trong khâu giám định tư pháp, định lượng điện năng trộm cắp nhằm xác định tính chất và mức độ vi phạm để xử lý hình sự. Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Lý bức xúc: Thời gian qua, tất cả các trường hợp TCÐ có điện năng truy thu từ 20 nghìn kW giờ trở lên đều chưa được cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định vì quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thì việc xác định lượng điện năng trộm cắp cần phải rõ ràng, chính xác, không thể tính toán trên cơ sở ước lượng như hướng dẫn tại Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31-10-2013 của Bộ Công thương (trước đây là Quyết định số 31/2006/QÐ-BCN ngày 6-9-2006 của Bộ Công nghiệp). Việc giám định ÐHÐÐ khi phát hiện gian lận cũng hết sức phức tạp (phải do cơ quan kiểm định độc lập thực hiện) vô tình gây khó cho ngành điện...
Công nhân Công ty Ðiện lực Hưng Yên kiểm tra, giám sát hệ thống đo đếm điện năng nhằm kịp thời phát hiện, phòng ngừa trộm cắp điện.
Tăng cường giám sát, chế tài xử phạt
Tính từ đầu năm đến nay, các vụ TCÐ giảm nhiều nhờ các CTÐL phát triển mô hình kiểm tra viên điện lực của các cấp. Ðối với EVNHCMC, đơn vị đã thực hiện một số giải pháp như: Nâng cao nghiệp vụ và trình độ chuyên môn cho tất cả cán bộ, công nhân viên làm công tác kiểm tra điện; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự tác động của khách hàng vào HTÐÐ; chế tạo, mua sắm và cải tiến các thiết bị đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác kiểm tra điện; chủ động phối hợp chính quyền, công an địa phương trong việc ngăn ngừa, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng điện. Tích cực vận động người dân tham gia phong trào phát hiện, tố giác các hành vi TCÐ. EVNHCMC đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và ban hành sớm văn bản hướng dẫn trình tự xử lý hình sự các trường hợp TCÐ với quy mô lớn từ 20 nghìn kW giờ trở lên theo tinh thần hướng dẫn của Nghị định 134/2013/NÐ-CP.
Theo các CTÐL, kinh nghiệm đối với các địa bàn sau khi tiếp nhận lưới điện nông thôn thì tình trạng TCÐ có dấu hiệu tăng cao, nhất là mùa cao điểm nắng nóng, lượng điện năng tiêu thụ tăng vọt. Các đối tượng TCÐ thường là các hộ có cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ bài học đó, các công ty đã tăng cường đầu tư, cải tạo lưới điện, thay dây trần bằng dây bọc thì hạn chế câu móc điện (ít nhất 40% số vụ). CTÐL Hưng Yên ứng dụng phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CMIF) vào quản lý dữ liệu vì đây là biện pháp tiên tiến, có khả năng kiểm soát và ngăn chặn từ xa hành vi TCÐ. Lãnh đạo coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đưa công tác này vào vấn đề lương thưởng nhằm khuyến khích đơn vị cơ sở bám chắc địa bàn, phát hiện sớm và ngăn chặn các vụ vi phạm, nhưng đồng thời cũng tăng trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng TCÐ. Ðể hạn chế tình trạng ăn cắp điện qua hộp ÐHÐÐ, CTÐL Hải Phòng qua thực tế kiến nghị, nhà sản xuất cần phải cải tiến ngay bằng biện pháp đơn giản là làm thêm hai lỗ kẹp chì của hộp ÐHÐÐ.
Các CTÐL cũng đang tích cực trao đổi, tổ chức các hội nghị, hội thảo để phổ biến, rút kinh nghiệm các thủ đoạn tinh vi từ những vụ TCÐ trên địa bàn để tăng cường phòng ngừa. Ðồng thời tăng cường sự phối hợp với các cấp chính quyền, công an địa phương để bảo vệ lưới điện; tuyên truyền cho người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi TCÐ. CTÐL Hải Phòng kiến nghị, đối với những vụ việc nghiêm trọng, hồ sơ đã chuyển sang cơ quan chức năng thì cần sớm đưa ra xét xử để có tác dụng răn đe.