Tin thế giới

Năng lượng tái tạo - Bài 8: Khi giới doanh nghiệp vào cuộc

Thứ năm, 1/8/2019 | 08:06 GMT+7
Ở Mỹ, Budweiser có lẽ là một trong những hãng bia tên tuổi đầu tiên quyết định vận hành các nhà máy nấu bia của mình bằng năng lượng sạch.
Chú thích ảnh
Tua bin gió tại Dự án Điện gió Avangrid Renewables.

Từ năm 2017, công ty đã ký hợp đồng với chi nhánh tập đoàn chuyên phát triển năng lượng sạch Enel Green Power của Italy và mua điện từ trang trại điện gió Thunder Ranch của công ty này ở Oklahoma trong 15 năm. 
 
Kể từ khi thử nghiệm dùng điện gió hơn một năm nay, giới quản lý hãng bia Budweiser cho biết điện gió mang lại khá nhiều lợi ích cho họ. Những nhà đầu tư và khách hàng của công ty đều hưởng ứng việc công ty dùng năng lượng sạch và nhờ sản xuất sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo, Budweizer ngày càng thu hút được thêm nhiều người muốn đầu quân cho công ty. Thêm vào đó, việc mua điện gió bằng hợp đồng có thời hạn dài như vậy cũng giúp công ty tránh được những rủi ro khi giá điện tăng. 
 
Việc các công ty lớn ký hợp đồng lớn mua điện sạch dài hạn như vậy ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với những nhà đầu tư sản xuất năng lượng sạch, nhất là trong việc đảm bảo nguồn tài chính cần thiết, để có thể phát triển thêm các nhà máy điện gió và điện mặt trời. 
 
Những hợp đồng lớn như vậy cũng khiến những nhà đầu tư xây trang trại điện gió và điện mặt trời nhìn thấy đầu ra cho sản phẩm của mình được đảm bảo và giảm bớt rủi ro khi họ rót tiền vào lĩnh vực thường ngốn tới cả trăm triệu USD như năng lượng tái tạo. Theo đại diện công ty Enel Green Power, những hợp đồng lớn mua điện sạch dài hạn như thế này ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà đầu tư xây dựng và vận hành trang trại điện gió. Enel Green Power cũng cho biết trang trại điện gió Thunder Ranch có vốn đầu tư 435 triệu USD với công suất sản xuất điện đủ cho khoảng 90.000 hộ gia đình.
 
Những thương vụ lớn như vậy đã góp phần phát triển các trang trại năng lượng sạch, vốn từ trước tới nay là lĩnh vực chủ yếu dựa vào nguồn vốn trợ giúp của chính phủ là chính. Nhưng hiện nay ở nhiều nước, nguồn tiền các chính phủ sử dụng để hỗ trợ phát triển năng lượng sạch cũng đang bị co hẹp lại do việc cắt giảm chi phí. 
 
Cách đây vài năm, chỉ những công ty công nghệ lớn như Amazon, Google đi đầu trong việc tài trợ xây dựng các trang trại điện gió và các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo. Nhưng chi phí xây các trang trại điện gió và điện mặt trời giờ đây cũng giảm đáng kể, nên điện sạch cũng trở nên cạnh tranh hơn so với các loại năng lượng sản xuất bằng nhiên liệu truyền thống như xăng và than. Chi phí để dùng điện gió, điện mặt trời thấp hơn đã thu hút được nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau bắt đầu thử nghiệm sử dụng, khi nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn cũng muốn chứng tỏ với khách hàng của mình rằng những đồ họ bán để ăn, uống hay mặc đều được sản xuất theo cách thức không làm hại tới môi trường. 
 
Với các doanh nghiệp, hành động chống biến đổi khí hậu thông qua việc mua các loại năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) để sử dụng có lẽ là một trong những hành động thiết thực nhất. Nike, hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng của Mỹ đã trở thành một trong những tập đoàn đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Gần đây nhất là thương vụ Nike mua điện gió của công ty Iberdrola (Tây Ban Nha) để sử dụng trong các nhà máy của hãng ở châu Âu. Theo đại diện của công ty Nike, biến đổi khí hậu giờ đây không còn chỉ là nguy cơ đối với nhân loại chung chung mà hoàn toàn có thể khiến việc kinh doanh của bất kỳ công ty nào gặp khó. 
 
Năm 2018, số hợp đồng lớn các công ty ký mua năng lượng sạch chiếm 22% tổng số các hợp đồng năng lượng sạch lớn ở Mỹ, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie. Công ty này cho rằng điện gió và điện mặt trời hoàn toàn có thể cạnh tranh với điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và việc xây các nhà máy điện tái tạo phù hợp với nhu cầu của từng công ty cũng khá dễ dàng. 

Hiện các công ty công nghệ lớn ở Mỹ vẫn đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch.
 
Theo Wood Mackenzie, các "ông lớn" công nghệ như Facebook, Google, và Amazon mua nhiều điện sạch nhất ở Mỹ. Khi Google xây trung tâm dữ liệu của mình ở Eemshaven, miền Bắc Hà Lan, công ty đã lập tức mua điện gió và điện mặt trời để dùng cho trung tâm dữ liệu có vốn đầu tư 670 triệu USD này và công ty hiện vẫn hoạt động từ 2016 đến nay. Những công ty lớn cũng nhắm tới việc mua điện sạch ở những nơi mà chính phủ không có ngân sách dành cho khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giúp các công ty sản xuất năng lượng sạch có thể phát triển.
 
Công ty Năng lượng tái tạo GE hiện đang xây một trang trại điện gió rất lớn có tên là Markbydgen ở phía Bắc Thụy Điển sau khi có được hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay cung cấp điện cho Norsk Hydro, một công ty sản xuất nhôm của Na Uy trong 19 năm. Người đại diện Công ty Năng lượng tái tạo GE cho biết họ muốn phát triển được trên thị trường thương mại chứ không phải bằng các khoản hỗ trợ từ chính phủ như tình hình những năm trước đây, bởi các hợp đồng nhất trí trên nền tảng thị trường và vì mục đích kinh doanh sẽ đỡ bị ảnh hưởng rủi ro.
Theo: BNews/TTXVN