Tiến độ công trình

Rẽ sóng kéo cáp ngầm xuyên biển

Thứ năm, 4/9/2014 | 10:01 GMT+7
Dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn từ hệ thống điện lưới quốc gia bằng 26 km cáp ngầm xuyên biển (với tổng vốn đầu tư 652 tỷ đồng). Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, biển động... nhưng ban quản lý dự án và các đơn vị thi công vẫn quyết tâm bám biển, đẩy nhanh tiến độ thi công ngay cả trong dịp nghỉ lễ quốc khánh 2-9, quyết tâm đưa điện ra đảo đúng theo kế hoạch.

Những km cáp ngầm đầu tiên xuyên đại dương

Những ngày này, vùng biển Lý Sơn sóng khá lớn do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới tràn về. Từ bờ biển Bình Hải (huyện Bình Sơn), chúng tôi lên thuyền thúng tăng bo ra một chiếc tàu gỗ chờ sẵn ngoài biển và bắt đầu vượt khoảng 4 hải lý để tiếp cận “công trường” thi công rải cáp ngầm xuyên biển. Những con sóng dữ cứ chồm lên liên hồi. Thuyền trưởng Nguyễn Nho trấn an: “Vùng biển này hiền lắm. Sóng to thế nhưng không sao cả đâu. Ở dưới đáy biển, giờ vẫn có hàng chục thủy thủ đang lặn sâu hơn 40 mét để hỗ trợ thi công rải cáp”. Anh Nho đưa chúng tôi cặp mạn chiếc tàu lớn quốc tịch Xin-ga-po chở 500 tấn cáp ngầm, thiết bị thi công và 80 chuyên gia, kỹ sư, thủy thủ đang xẻ rãnh và rải cáp xuyên biển.
 


Ban điều hành, chỉ huy giám sát rải cáp xuyên biển.

Chỉ huy trưởng công trường, anh Ronald Dolocsaribu, người In-đô-nê-xi-a, ra mạn tàu đón chúng tôi. Nắm bàn tay đầy dầu mỡ, áo quần ướt sũng vì nước biển của anh, tôi cảm nhận một phần sự vất vả của công việc rải cáp ngầm này. Khoang tàu rộng như một sân bóng chất đầy thiết bị, máy móc. Rất đông kỹ sư, chuyên gia trên tàu, ai vào việc nấy tạo thành một guồng máy trật tự chuyển sợi cáp từ boong tàu xuống lòng đại dương xanh. Anh Ronald Dolocsaribu nói với chúng tôi bằng tiếng Việt khá rành rọt: “Ồ, chúng tôi đã rải được gần 4 km cáp rồi. Công việc đang khá trôi chảy”.

Quyết tâm rải cáp vượt tiến độ

Tổng chỉ huy công trường, ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc Liên danh nhà thầu Thái Dương - Prysimian (I-ta-li-a) cũng có mặt trên tàu xẻ rãnh, rải cáp. Ông Thái tự tin bảo với chúng tôi rằng: “Những khó khăn ban đầu về đấu nối cáp ngầm vào hệ thống trạm bờ đã qua. Bây giờ thời tiết khắc nghiệt cũng không thành vấn đề, lo nhất là địa chất vùng biển này phức tạp. Đáy biển sâu, dốc và đá gập ghềnh, nhiều đoạn việc sẻ rãnh đặt cáp quá khó. Thế nhưng chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng 15 ngày nữa sẽ hoàn thành rải cáp, bắt đầu đấu nối cáp với trạm bờ đảo Lý Sơn, để cuối tháng 9 này đóng điện”.
 


Tàu rải cáp ngầm trên biển.

Một ngày làm việc trên tàu không phải bắt đầu theo thông lệ 7 giờ sáng. Ông Nguyễn Hồng Thái bảo: “Chuyên gia thì cứ dậy là lại vào ca. Còn kỹ sư thì chia làm 4 ca thay nhau làm việc. Máy móc chạy suốt 24/24 giờ”. Bản thân chính người “tổng chỉ huy” này có hôm làm việc gần 20 giờ đồng hồ. Thấy ông Thái cứ quần quật với công việc, tất cả anh em trên tàu cũng đều tự giác rất cao.

Dẫn chúng tôi đi quan sát hoạt động của công việc rải cáp, ông Nguyễn Hồng Thái chỉ về phía trước mũi tàu - nơi có hai con tàu lớn cách tàu chúng tôi khoảng 2-3 hải lý, bảo: “Đó là hai chiếc tàu định vị neo, di chuyển liên tục làm nhiệm vụ nhổ neo và đưa neo đến một vị trí mới. Chiếc neo này làm vật cố định để tàu xẻ rãnh trụ bám rải cáp”. Đến buồng chỉ huy, chỉ vào màn hình ca-mê-ra quan sát dưới đáy đại dương công việc rải cáp, ông Nguyễn Hồng Thái giải thích cặn kẽ “đường đi của cáp ngầm”. Đó gần như là một đường thẳng nối liền đôi bờ biển từ xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) ra đảo Lý Sơn. “Điểm tàu đang rải cáp khá thuận lợi, độ sâu chỉ khoảng 40 mét. Thế nhưng vài ngày nữa, khi tàu ra giữa biển, độ sâu sẽ tăng lên 50-70 mét, có đoạn gần 100 mét. Đó là một khó khăn thách thức lớn đối với chuyên gia, kỹ sư, và thủy thủ trong quá trình thi công” - ông Thái bộc bạch.

Mừng Quốc khánh trên công trường

Trên công trường thi công rải cáp ngầm có khoảng 45 chuyên gia, kỹ sư, thủy thủ là người In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Mặc dù sống và làm việc trên biển nhưng họ luôn được liên danh nhà thầu Thái Dương - Prysimian đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần. Qua xem tivi, nhiều kỹ sư, chuyên gia nước ngoài biết được ngày 2-9 là ngày Quốc khánh Việt Nam và họ bày tỏ vui mừng với chúng tôi khi nói về điều này. Anh Bulicsa - kỹ sư người In-đô-nê-xi-a, bày tỏ: “Vui đón quốc khánh trên tàu. Việt Nam muôn năm!”. Còn anh Butan - đầu bếp người In-đô-nê-xi-a khoe với chúng tôi bằng ngôn ngữ tiếng Việt lơ lớ: “Nhiều thực phẩm tươi lắm. Mình sẽ nấu món cơm ngon cho mọi người mừng Quốc khánh Việt Nam”.

Tất cả mọi người trên tàu, dù mang quốc tịch Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a hay Việt Nam, đều ăn chung một mâm, ngủ chung một tàu và quan trọng hơn là họ đang cùng chung một công việc, đó là thi công kéo cáp ngầm ra đảo Lý Sơn để đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia cấp điện cho 22.000 dân huyện đảo. Họ đều là những người có trình độ, ý thức tổ chức kỷ luật cao. “Ngôn ngữ có thể bất đồng nhưng tất cả chúng tôi có chung một quyết tâm kéo cáp ngầm xuyên biển. Không cùng ngôn ngữ nhưng chúng tôi hiểu nhau qua công việc, qua ánh mắt, nụ cười, thái độ ứng xử. Chúng tôi thật sự là anh em một nhà” - anh Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ chăm lo đời sống cho chuyên gia, kỹ sư, thủy thủ trên tàu cho biết.

Chia tay mọi người, chúng tôi rời con tàu lớn mang quốc tịch Xin-ga-po để trở vào bờ. Mặc dù trên hành trình trở về trời mưa to, sóng lớn nhưng chúng tôi đã an toàn cặp bến Bình Hải. Nhìn về khơi xa, chỉ mong sao trời thôi đừng giông gió để những cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân đang thi công công trình bớt đi một phần gian nan, vất vả giữa trùng khơi.
Theo; QĐND