Tin trong nước

Thái Nguyên: Điện về thắp sáng vùng cao

Thứ năm, 22/1/2015 | 09:21 GMT+7
Cách trung tâm xã chưa đầy 5 cây số nhưng với địa hình núi cao hiểm trở, đường lên bản ngoằn nghoèo những dốc, một bên là vách núi, bên là vực sâu hun hút, bởi vậy, người Mông trên bản Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai) chẳng bao giờ dám mơ tới một ngày sẽ được dùng điện lưới quốc gia.

Ấy vậy mà gần 2 tháng nay, người Mông nơi đây như đang sống trong thế giới của câu chuyện cổ tích với ánh điện lung linh, với tiếng nói, hình ảnh rộn ràng phát ra từ chiếc ti vi.
 
Trở lại Lũng Luông lần này, chúng tôi không phải vất vả đi bộ leo qua từng vách đá, xuyên qua những tán cây rừng như cách đây hơn 2 năm về trước. Mặc dù sự kỳ vĩ, nét hoang sơ vẫn như vẹn nguyên nhưng bản Mông nay đã có nhiều sự mới. Đường lên bản đã được mở rộng, xe máy, ô tô đã có thể đi lại khá dễ dàng (chuẩn bị được đổ bê tông theo chuẩn nông thôn mới). Điều phấn khởi hơn nữa là trên các ngọn núi cao những cột điện sừng sững, hiêng ngang cõng đường dây mang dòng năng lượng mới đến thắp sáng cho dân bản.
 
Trạm biến áp nằm cách trung tâm xóm vài trăm mét. Từ đây, dọc theo hàng cột bê tông, mạng lưới dây điện hạ áp mắc trên những cột gỗ cứ thế tỏa đi khắp nơi, lúc thì thẳng xuống khe, khi thì kéo qua rừng, rồi xuyên qua những nóc nhà chon von trên đỉnh núi.

Chúng tôi bảo nhau, hễ thấy nhà nào có chảo vệ tinh hướng về phía Đông Nam là nhà đó có ti vi. Dẫu vậy, chúng tôi cũng chẳng phải nhọc công dò đường bởi anh Đào Văn Mình, Trưởng xóm nắm rõ gia cảnh từng nhà và đường đi lối lại. Qua một sườn núi, từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng cô phát thanh viên chương trình thời sự VTV quen thuộc vọng ra từ nhà của chị Lý Thị Kia. Trong ngôi nhà gỗ, chị Kia cùng 5, 6 người lớn, trẻ con đang ngồi trước chiếc ti vi tinh thể lỏng xem một cách chăm chú.

Sau phút ngại ngùng, chị Kia nói: Khi biết Nhà nước dựng cột, kéo dây điện lên bản, vợ chồng tôi đã bàn nhau dành dụm tiền để mua ti vi về xem. Điện về bản được 2 ngày thì chồng tôi cũng mang ti vi, đầu chảo về lắp, bọn trẻ thích lắm. Có điện rồi, bây giờ không phải thắp đèn dầu nữa mà còn xem được cả ti vi, thích nhất là được nhìn thấy hình ảnh, cuộc sống của mọi nơi trên đất nước mình và trên thế giới. Có ti vi rồi, dân bản chúng tôi cũng biết nhiều hơn về chế độ chính sách, pháp luật... Chúng tôi biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm.

Vì dân bản còn nghèo, không phải ai cũng có điều kiện mua được ti vi về xem nên cứ mỗi tối, nhà chị Kia lại có hàng xóm đến xem nhờ, trong nhà lúc nào cũng đông vui. Cùng với chiếc ti vi, hệ thống dây điện, bảng điện, bóng đèn trong nhà chị hãy còn rất mới bởi nó vừa được đưa vào sử dụng hơn 1 tháng nay.

-   Tháng vừa rồi nhà mình hết bao nhiêu tiền điện hả chị? Tôi hỏi.

-    Khoảng hơn 10 nghìn thôi!


Tôi liếc nhìn lên chiếc công tơ điện trên cột nhà, chỉ số đồng hồ đang ở con số 28. Anh Mình giải thích: Trong bản, có 123 hộ thì có hơn 10 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ tiền điện nên tính ra, người dân chúng tôi được dùng điện nhưng mất ít tiền.

Còn chị Hầu Thị Sua vui vẻ: Gia đình tôi đã mua ti vi cách đây hơn 1 năm nhưng vì trước không có điện nên mỗi lần muốn xem phải chạy máy phát, vừa ồn vừa mất nhiều tiền xăng dầu. Mỗi tháng chỉ dám xem vài lần thôi! Từ ngày có điện, tối nào nhà tôi cũng mở xem thời sự, xem phim, mọi người quanh đấy đến xem nhờ, vui lắm.

Cũng từ ngày có điện, chị Lý Thị Pàng đã mua tủ bảo ôn về để bảo quản thức ăn, làm nước lạnh bán cho bà con trong bản. Công việc mua bán của chị cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Dân cũng không không phải xuống tận chân núi mỗi khi cần mua thực phẩm tươi sống nữa.

Điện vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, mở mang đời sống tinh thần cho người dân trong bản và tiến tới nó sẽ góp phần giải phóng 1 phần sức lao động cho bà con. Anh Mình và các nhà khác trong xóm đang dần chuyển đổi nguồn năng lượng từ chạy dầu sang chạy bằng điện cho những chiếc máy tẽ ngô (máy tách hạt ngô). Và chỉ mai kia thôi, họ không còn phải chịu tiếng ồn từ động cơ chạy dầu cũng như mùi hôi khó chịu từ nguồn năng lượng dạng lỏng này nữa.

Điện về không chỉ làm cho cuộc sống của người Mông Lũng Luông sáng hơn mà có lẽ phấn khởi nhất vẫn là hơn 100 thầy và trò Trường Tiểu học Lũng Luông. Những lớp học nền đất, bưng ván, lợp pro-xi-măng đã được lắp thêm những bóng điện, sẵn sàng phục vụ cô trò những lúc tối trời.

Cô giáo Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Từ lúc có điện, việc soạn giáo án, bài giảng của chúng tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều vì dùng được máy tính, máy in. Các đơn vị, tổ chức từ thiện cũng đã hỗ trợ đào giếng, lắp máy bơm, hệ thống đường ống, bể chứa nước để đảm bảo cung cấp nguồn nước cho thầy và trò. Còn trước đây, mỗi năm cứ khoảng 6 tháng mùa khô, chúng tôi phải đi lấy nước cách xa vài trăm mét đi đường dốc ngược đồi, vất vả vô cùng. Còn giáo án, muốn soạn trên máy tính cứ phải chờ đến ngày cuối tuần về dưới xuôi có điện mới làm nổi, nếu không thì thắp đèn dầu soạn tay thôi!

Xuống núi lúc trời đã xẩm tối, trên những đỉnh núi, sườn đồi xa xa, ánh điện tỏa ra trong những ngôi nhà như vì sao lấp lánh trong đêm trăng. Xuân này bà con nơi đây không còn phải sinh hoạt dưới ánh đèn dầu mập mờ, ẩn chìm trong bóng tối, lạnh giá của núi rừng mà có thể quây quần bên chiếc tivi, chung vui với đồng bào cả nước khi lần đầu tiên được ngắm pháo hoa, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết trên truyền hình. Mong rằng “điện về, sẽ từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người Mông Lũng Luông” như lời của ông Ma Khánh Tuyên, Chủ tịch UBND xã nói.
 
Theo: Báo ĐT Thái Nguyên