Thông tin đầu tư

19 dự án nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT

Thứ hai, 24/2/2020 | 09:01 GMT+7
Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, triển khai Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến thời điểm hiện nay, có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) với tổng công suất gần 27.000 MW.
 

Ảnh minh họa.
 
Cụ thể, 4 dự án đã vào vận hành thương mại là Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Mông Dương 2 và Vĩnh Tân 1; 4 dự án đang triển khai xây dựng là Hải Dương, Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2 và Vân Phong 1; 4 dự án đang hoàn thiện bộ Hợp đồng BOT để chuẩn bị ký chính thức là Vũng Áng 2, Nam Định 1, Vĩnh Tân 3 và Sông Hậu 2; 2 dự án đang triển khai đàm phán là Quảng Trị và Dung Quất 2. Ngoài ra còn có 5 dự án đang triển khai ở giai đoạn đầu, chưa đàm phán là Long Phú 2, Vũng Áng 3, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 và Quỳnh Lập 2.
 
Như vậy theo Ban chỉ đạo, có 8 dự án đang được xây dựng và đang hoàn thiện bộ Hợp đồng BOT.
 
Theo đó, tại Dự án Nhiệt điện Hải Dương, theo cam kết trong Hợp đồng BOT, Tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại vào ngày 1/12/2020 và Tổ máy 2 sẽ vận hành thương mại vào ngày 1/6/2021. Đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt được khoảng 75%. Tổng vốn huy động đạt được 1.206 tỷ USD; trong đó vốn vay ngân hàng là 877,5 triệu USD và vốn góp là 328,5 triệu USD.
 
Ban chỉ đạo cho biết, vấn đề đang tồn tại hiện nay là Giấy phép xây dựng Bãi thải xỉ thứ nhất. Hiện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương đã làm việc với Công ty BOT về vấn đề này và đã hướng dẫn Công ty BOT phương án giải quyết. Do đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Hải Dương trong khi tiến độ của Dự án đang rất gấp  nên theo Bộ Công Thương, Công ty BOT cần khẩn trương có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị hỗ trợ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
 
Đối với Dự án Duyên Hải 2, theo cam kết trong Hợp đồng BOT, Tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại vào tháng 6/2021 và Tổ máy 2 sẽ vận hành thương mại vào tháng 9/2021. Đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt được khoảng 58,71%. Dự án đã giải ngân được 830,2 triệu USD; trong đó vốn góp là 190,2 triệu USD và vốn vay là 640 triệu USD. 
 
Về Dự án Nghi Sơn 2, theo cam kết trong Hợp đồng BOT), Tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại vào ngày 1/2/2022 và Tổ máy 2 vào ngày 1/8/2022. Hiện tiến độ tổng thể của Dự án đạt được khoảng 52,35%. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công xây dựng đến nay là 710,6 triệu USD; trong đó, 5 triệu USD từ vốn điều lệ.
 
Vấn đề tồn tại hiện nay theo Ban chỉ đạo là ngày 16/12/2019, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (Công ty BOT) có Văn bản số NS2PC-MOIT-19-0008 báo cáo về tình trạng người dân địa phương xâm nhập trái phép vào công trường xây dựng trên bờ, lắp đặt rào chắn trên đường vào để ngăn cản việc xây dựng và neo đậu tàu đánh cá trong khu vực xây dựng trên biển của Dự án. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 10002/BCT-ĐL đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm vụ việc này, tạo điều kiện cho Công ty BOT và các Nhà thầu có thể tiếp cận mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công Dự án.
 
Cũng tại Dự án này, ngày 03 tháng 10 năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Văn bản số 5332/EVN-TTĐ gửi UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ việc xây dựng hai cảng container đối diện nhau dọc theo kênh xả nước làm mát của hai nhà máy Nghi Sơn 1 và Nghi Sơn 2 sẽ làm cho tuần hoàn nước biển trong khu vực bị ảnh hưởng, tăng nhiệt độ nước đầu vào của các nhà máy, do đó làm giảm hiệu suất nhà máy. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu và có giải pháp tối ưu để việc xây dựng cảng container không làm ảnh hưởng đến chi phí mua điện của EVN và lợi ích của phía Việt Nam nói chung.
 
Được khởi công xây dựng ngày 5/11/2019, dự kiến Dự án Vân Phong 1 sẽ vận hành thương mại Tổ máy 1 vào tháng 11/2023, Tổ máy 2 vào tháng 3/2024. Đến nay, 328,5 triệu USD vốn vay đã được Bên cho vay giải ngân và 117,17 triệu USD vốn chủ sở hữu đã được chuyển vào Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ.
 
Đối với Dự án Nam Định 1, dự kiến vận hành thương mại Tổ máy 1 vào Quý I/2025, Tổ máy 2 vào Quý III/2025. Vấn đề tồn tại của Dự án này là nguồn than Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt nam (TKV) cung cấp cho Dự án và việc Chính phủ bảo lãnh nghĩa vụ của TKV; Đường dây đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia. Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương đã có Công văn số 9665/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn than và bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án và hiện đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Về Dự án Vũng Áng 2, dự kiến vận hành thương mại Tổ máy 1 vào Quý III/2024 và Tổ máy 2 vào Quý I/2025. Đến nay, nội dung Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ (GGU) đã được hoàn thiện và ký tắt. Chủ đầu tư đang làm việc lần cuối với Bên cho vay trước khi tiến hành ký chính thức.
 
Tại Dự án Vĩnh Tân 3, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 8254/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị thông qua phương án giải quyết đối với Cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ và Giới hạn trần đối với các khoản vay trong Công thức thanh toán chấm dứt sớm. Đồng thời, giao Bộ Công Thương hoàn thiện nội dung Hợp đồng BOT và GGU (bao gồm cả Cơ chế ngoại tệ) và cho phép ký chính thức bộ Hợp đồng BOT của Dự án. Ngày 13 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1681/TTg-CN chỉ đạo về các vấn đề này.
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Chủ đầu tư hoàn thiện nội dung Cơ chế ngoại tệ và Giới hạn trần đối với các khoản vay để gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính có ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện và ký chính thức bộ Hợp đồng BOT. Dự án dự kiến vận hành thương mại Tổ máy 1 vào Quý II/2024, Tổ máy 2 vào Quý IV/2024 và Tổ máy 3 vào Quý II/2025.
 
Về Dự án BOT cuối cùng là Sông Hậu 2, Chủ đầu tư và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang đàm phán Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ (GGU). Vấn đề tồn tại hiện nay là Cơ chế ngoại tệ và Thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung giữa Chủ đầu tư và PVN. 
 
Ngày 15 tháng 8 năm 2019, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5966/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 2 vấn đề còn vướng mắc trên để làm cơ sở tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. Sau đó,  Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8289/VPCP-QHQT thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. 
 
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu PVN khẩn trương giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong Thỏa thuận chia sẻ Cơ sở hạ tầng dùng chung để sớm hoàn thiện và ký kết. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện nội dung Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ (bao gồm cả Cơ chế chuyển đổi ngoại tệ) của Dự án theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5263/VPCP-KTN ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ để ký kết.
 
Dự kiến Dự án Sông Hậu 2 sẽ vận hành thương mại Tổ máy 1 vào Quý II/2025 và Tổ máy 2 vào Quý IV/2025.
Mai Phương