25 năm đảm bảo điện miền Nam, phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba, 30/4/2019 | 17:34 GMT+7
Hôm nay, 30/4, kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. 

Kiểm tra tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng.
 
Cũng chỉ còn gần 1 tháng nữa là tròn 25 năm hệ thống điện Việt Nam được hợp nhất 3 miền (Bắc - Trung - Nam)  kết nối bởi gần 1.500km đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV trải dài suốt từ Bắc vào Nam và 5 trạm biến áp 500kV - những điểm chốt quan trọng đảm bảo cho vận hành an toàn hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1.
 
Xin được nhắc lại thời điểm lịch sử đáng nhớ, đó là vào năm 1992, công trình đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đầu tiên được thiết kế xây dựng để thực hiện nhiệm vụ truyền tải lượng điện năng dư thừa (từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình và một số nhà máy nhiệt điện than) ở miền Bắc vào cung cấp cho miền Nam và miền Trung khi đó đang thiếu điện nghiêm trọng. Công trình này đã được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công vào ngày 05/4/1992. Chỉ sau 2 năm thi công, ngày 27/5/1994, toàn bộ công trình (bao gồm 1.487 km đường dây và 5 trạm biến áp 500kV) đã chính thức hoàn thành đóng điện, đưa hệ thống điện hợp nhất trên toàn quốc. 
 
Trải qua 25 năm vận hành an toàn, thông suốt, đảm bảotruyền tải điện từ Bắc vào Nam (và sau này là truyền tải ngược lượng điện lớn từ Nam ra Bắc) của hệ thống đường dây 500kV Bắc- Namlà minh chứng rõ ràng nhất khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta trong việc đảm bảo an ninh năng lượng từ trục xương sống 500kV Bắc - Nam. Chỉ tính trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, đã có khoảng 1.200 tỷ kWh điện được truyền tải trên hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam.
 
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trên tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam đó là Trạm biến áp 500kV Pleiku - một trong 5 “điểm nút quan trọng” được khởi công vào đầu năm 1993 và đóng điện vào ngày 27/5/1994. Kỹ sư Đinh Văn Cường -Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho chúng tôi biết, trải qua 25 năm vận hành hệ thống truyền tải điện Gia Lai và toàn bộ điểm nút tại Trạm biến áp 500kV Pleiku - Gia lai đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc truyền tải điện từ Bắc vào Nam và ngược lại, từ Nam ra Bắc, đặc biệt là truyền tải điện từ Bắc vào Nam để đáp ứng lượng điện thiếu hụt ở miền Nam. 
 
"Trạm biến áp 500 kV Pleiku là điểm nút phân bổ công suất cũng như điểm nút đảm bảo sự ổn định cho hệ thống truyền tải điện quốc gia. Trạm 500kV Pleiku là điểm trung chuyển cho tất cả các nguồn công suất từ Bắc vào Nam và gần như là một điểm nút gom tất cả công suất của các nguồn thủy điện trên dòng sông Sê San - công suất lớn, lên tới gần 2000 MW đẩy lên hệ thống truyền tải điện 500kV, đáp ứng các yêu cầu cung cấp điện liên tục cho miền Nam. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 3 mạch Đường dây 500kV đều đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai nên đây là một trong những điểm nút quan trọng cho đường dây 500 kV mạch 1 cũng như mạch 2 và sắp tới đây là mạch 3. Và đặc biệt là năm 2014 đường dây 500kV mạch 3 cũng đã được đưa vào từ trạm 500kV Pleiku đến trạm 500kV Mỹ Phước - Cầu Bông. Đây là một trong những điểm đáp ứng được yêu cầu giải tỏa toàn bộ công suất trên khu vực Tây Nguyên, tức là chúng ta đã giải quyết được vấn đề thắt cổ chai tại điểm nút - trạm 500kV Pleiku để truyền tải hết công suất trên khu vực Tây Nguyên và cũng đồng thời đưa toàn bộ nguồn công suất từ phía Bắc vào để đáp ứng được các yêu cầu công suất cho cung cấp điện cho miền Nam".
 
Ngay từ khi đi vào hoạt động, hệ thống đường dây 500kV mạch 1 đã không chỉ đảm bảo đủ điện cho miền Trung và cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống. Đây còn là “sợi dây” liên kết hệ thống điện theo cả hai chiều, góp phần quan trọng trong việc nâng cao độ an toàn cung cấp điện và chất lượng điện cho hệ thống điện quốc gia. Kỹ sư Hồ Công - PGĐ Công ty Truyền tải Điện 3 - đơn vị quản lý, vận hành hệ thống lưới điện 500kV Bắc - Nam đi qua địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung - Tây Nguyên (từ Gia Lai đến Bình Phước) cho biết, nhu cầu cung cấp điện cho miền Nam ngày càng lớn, với mức tăng trưởng trung bình trên 10% đòi hỏi công tác đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành an toàn hệ thống điện truyền tải nói chung, hệ thống 500kV Bắc - Nam là vô cùng quan trọng.
 
"Càng những năm về sau yêu cầu cung cấp điện miền Nam càng lớn, một mạch 500kV ban đầu không đáp ứng vì khả năng giới hạn truyền tải chỉ được 900MVA cho nên chúng tôi thấy rằng việc chỉ đạo việc xây dựng đường dây 500kV mạch 2 đóng điện năm 2005 là rất hợp lý để nâng công suất lên gấp đôi và truyền tải 1800 MVA. Nhưng nhu cầu tốc độ tăng trưởng 10% như vậy cũng không đáp ứng được nên 2014 đã đóng được đường dây mạch kép (mạch 3) từ Pleiku đi Cầu Bông, tức là từ đây đến thành phố Hồ Chí Minh được cung cấp bằng 4 đường dây 500kV mới đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện cho miền Nam".
 
Thế nhưng lượng điện để truyền tải vào miền Nam ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên không đủ công suất, cần phải lấy điện từ các nhà máy ở phía Bắc (như Thủy điện Sơn La, Hòa Bình…) đưa vào. Trong khi hai mạch đường dây 500kV (mạch 1 và mạch 2 từ Hà Tĩnh trở vào Pleiku chỉ có khả năng truyền tải 1800MVA, song, có những thời điểm nhu cầu điện phía Nam căng thẳngđã phải truyền tải cao hơn, nhưng rất nguy hiểm cho hệ thống. 
 

Trực vận hành tại TBA 500kV Pleiku.
 
Để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cụm dự án 500kV Quảng Trạch - Vũng Áng; Quảng Trạch - Dốc Sỏi và Dốc Sỏi - Pleiku 2 với tổng chiều dài gần 750km đường dây 500kV mạch kép, sau khi hoàn thành kết nói với gần 450km đoạn tuyến từ Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông tạo thành 1 đường dây 2 mạch kép 500kV (gọi là đường dây mạch 3) hoàn chỉnh, giúp tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung - cầu nội vùng. Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban quản lý các công trình điện miền Trung, cho biết tổng tiến độ, EVN cũng đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cũng đã cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020. Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cũng đã phê duyệt tổng tiến độ dự án kết thúc vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, đồng chí Trưởng ban chỉ đạo cấp điện cho miền Nam đã có kết luận và giao cho AMT là tập trung mọi nguồn lực, cố gắng nỗ lực hoàn thành vào tháng 3/2020.
 
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của lưới điện 500kV trong đảm bảo điện miền Nam và an ninh năng lượng quốc gia, ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định (số 1944/QĐ-TTg) về việc đưa hệ thống truyền tải điện 500 kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nhằm mục đích tăng cường vai trò của Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ các công trình an ninh quốc gia. Trên thực tế, ngay từ khi công trình 500kV Bắc - Nam mạch 1 được xây dựng và hoàn thành (vào năm 1994) Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị (số 110/TTg) về công tác bảo vệ  an toàn hệ thống tải điện 500 kV Bắc - Nam.
 
Thượng tá Võ Thị Yến Lan - Phó Trường phòng An ninh kinh tế, Công an TP Đà Nẵng đang tuần tra thực tế tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng - nơi đặt chốt bảo vệ Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng của Công an TP Đà Nẵng cho biết, từ khi đường dây 500kV Bắc - Nam triển khai thì CA TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Công ty Truyền tải điện 2 trong công tác đảm bảo tuyến đường dây đi qua địa bàn TP Đà Nẵng và đã triển khai các công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn cho tuyến đường dây. Cụ thể, ví dụ như đã triển khai các tổ, các chốt bảo vệ tuyến đường dây và triển khai một Tổ cảnh sát cơ động để bảo vệ Trạm 500kV Đà Nẵng. Trong quá trình vận hành thì CATP Đà Nẵng cũng đã phối hợp, ký kết các quy chế phối hợp đảm bảo an ninh an toàn là cho tuyến đường dây và đã tổ chức các cuộc giao ban hàng quý, hàng tháng định kỳ để trao đổi tình hình nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm đường dây 500 kV Bắc – Nam. 25 năm qua, suốt quá trình từ khi vận hành đến hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam là tuyến công trình quan trọng, trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia thì CATP Đà Nẵng cũng đã tham mưu cho UBNDTP ký đề án triển khai đảm bảo an ninh, an toàn cho tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam và hiện nay đang tiến hành xúc tiến các hoạt động để triển khai đề án đó.
 
Để hoàn thành tốt sứ mệnh đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, song, với hệ thống lưới điện quốc gia, chúng ta không thể không kể đến những đóng góp lặng thầm, sự hi sinh vất vả của người công nhân truyền tải điện mà chúng tôi gọi họ là những người “lính đường dây”. 
 
Kể từ khi đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành, đến nay cũng vừa tròn 25 năm ông Nguyễn Tài - giờ là Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư sê gắn bó với tuyến đường dây 500kV quan trọng này.
 
"Từ ngày đầu tháng 4 năm 1994, chúng tôi qua đào tạo đã về tiếp quản đường dây 500kV Bắc Nam lần đầu tiên của đất nước chúng ta. Phải nói là chúng tôi rất tự hào vì đây là công trình quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước đi lên trong giai đoạn chúng ta bắt đầu cho việc hiện đại hóa nền công nghiệp. Qua 25 năm vận hành thì chúng tôi rất tự hào là những người lính truyền tải đã mang công sức của mình để góp phần vào cho dòng điện, thống nhất hòa dòng điện cùng đất nước".
Nguyên Long/Icon.com.vn