Diễn đàn năng lượng

3 bài học cho phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

Thứ hai, 18/3/2019 | 11:04 GMT+7
Đầu tư vào năng lượng sạch là xu thế tất yếu để một quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong tương lai. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Đầu tư vào năng lượng sạch là xu thế tất yếu để một quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng và  phát triển bền vững trong tương lai. Ảnh minh họa: AFP

Thế giới đang hướng đến giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, thể hiện qua việc hầu hết các quốc gia đều đóng góp vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm, gia tăng lợi thế của năng lượng vào sự phát triển. Do vậy, đầu tư vào năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng sức gió…) là xu thế tất yếu để một quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng và  phát triển bền vững trong tương lai.
 
Những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và đã trở thành nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chính sự phát triển kinh tế cùng quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số nhanh chóng đã kéo theo những yêu cầu về phát triển nhanh của ngành năng lượng.
 
Tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn và đã có các cơ chế khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, để phát triển ngành năng lượng sạch ở Việt Nam thật sự không dễ dàng. 
 
Một số bài học từ kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước ASEAN trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch:
 
1. Đột phá nhờ chính sách
 
Bài  học từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Malaysia cho thấy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng sạch, Nhà nước cần có chính sách khoa học cụ thể về phát triển năng lượng sạch, đồng thời phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hành các chính sách đó. Đây chính là chìa khóa dẫn tới sự phát triển của nguồn năng lượng này. Đồng thời, nó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy ngành năng lượng sạch phát triển.
 
2. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp
 
Để chuyển dần từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như điện than sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch (năng lượng gió, mặt trời), Việt Nam cần có những bước đi cẩn trọng vì công nghệ sử dụng trong ngành năng lượng sạch là công nghệ rất cao. Do đó, để đảm bảo sự an toàn về năng lượng, Việt Nam phải lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp với điều kiện của mình để đưa vào sản xuất và có thể lồng ghép các chương trình phát triển năng lượng gió với các chương trình khác đang triển khai như chương trình điện khí hoá nông thôn.
 
3. Khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư
 
Việt Nam cần cho phép và khuyến khích sự tham gia từ nhiều bên, đặc biệt là kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà đầu tư quốc tế trong quá trình phát triển năng lượng sạch. Như vậy, Chính phủ phải tạo cơ chế công bằng và định hướng rõ ràng để các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ban hành các quy định, cơ chế khuyến khích như áp dụng biểu giá FiT hay cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) để tạo thuận lợi cho việc thu hút có hiệu quả nguồn vốn vào lĩnh vực này.
Hiện nay, ở Việt Nam, các nguồn năng lượng sạch vẫn chiếm tỉ trọng ít trong tổng nguồn cung ứng năng lượng. Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống như điện than ngày càng chứng tỏ mức độ tác động lớn lên môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhìn về dài hạn, Việt Nam cần chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, bền vững hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo: BNews/TTXVN