Diễn đàn năng lượng

3 đòn bẩy chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững

Thứ năm, 16/12/2021 | 09:35 GMT+7
Thông qua phân tích về xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, kinh nghiệm của các quốc gia toàn cầu cũng như bối cảnh phát triển năng lượng tại Việt Nam, nhóm tư vấn đã đề xuất 87 chính sách cụ thể, 17 nhóm chính sách quan trọng và 3 đòn bẩy chính sách, làm nền tảng thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – chuyên gia độc lập trình bày tham luận tại hội thảo
 
Chia sẻ tại hội thảo “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam – cơ hội và thách thức” được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Một số nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Anh Tuấn – chuyên gia độc lập đã trình bày tham luận về các đòn bẩy chính sách quan trọng cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyển dịch năng lượng thường được hiểu là sự chuyển đổi cơ cấu hệ thống năng lượng từ các nguồn phát thải các-bon cao, sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang hệ thống năng lượng sạch, với sự gia tăng năng lượng tái tạo (NLTT). Chiến lược phát triển các-bon thấp là cam kết quốc tế mà các nước đang hướng tới.
 
Với tư duy trước đây cho rằng, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam phải theo đuổi một lộ trình phát triển các-bon cao trước khi chuyển sang một tương lai các-bon thấp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đây là tư duy chưa đúng, bởi ngày nay có bằng chứng chỉ ra rằng, một chiến lược phát triển các-bon thấp sẽ tạo ra một lộ trình nhanh hơn, ít tốn kém hơn và thông minh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế.
 
Từ các cơ sở lý thuyết và thực tiễn, nhóm tư vấn đã xây dựng định hướng và chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững cho Việt Nam, đồng thời đưa ra các căn cứ để ra quyết định chiến lược chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong tương lai.
 
"Theo đó, thông qua phân tích về xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, kinh nghiệm của các quốc gia toàn cầu cũng như bối cảnh phát triển năng lượng tại Việt Nam, nhóm tư vấn đã đề xuất 87 chính sách cụ thể, 17 nhóm chính sách quan trọng và 3 đòn bẩy chính sách, làm nền tảng thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam trong tương lai" - ông Tuấn thông tin.
 
Cụ thể, 3 đòn bẩy chính sách cho chuyển dịch năng lượng gồm:

Đòn bẩy thứ nhất là kế hoạch và chiến lược thúc đẩy năng lượng sạch, với 5 nhóm chính như: Lập kế hoạch và mục tiêu cho NLTT, cơ chế chính sách cho NLTT, hỗ trợ công nghiệp liên quan, nâng cao tính linh hoạt cho NLTT và chiến lược các-bon thấp cho giao thông vận tải (GTVT).
 
Theo đó, nhóm tư vấn cũng đã đưa ra một số chính sách quan trọng trong ngắn hạn cho đòn bẩy này như, yêu cầu về hàm lượng nội địa hoá hoặc ưu đãi về hàm lượng nội địa phải là một phần trong nội dung thiết kế đấu thầu trong tương lai (ví dụ tiến hành đánh giá các hồ sơ dự thầu dựa trên nhiều tiêu chí, không đánh giá "chỉ dựa trên giá"). Ngoài ra, việc tiếp tục giữ biểu giá FIT cho dự án quy mô vừa (ví dụ dưới 10MW) có thể tạo ra phân khúc thị trường khuyến khích các đơn vị trong nước tham gia.
 
Bên cạnh đó, khuyến khích chuyển dịch sang các phương thức vận tải sạch hơn, bao gồm xe điện và xe điện hai bánh, ba bánh. Để hiện thực hoá được việc này trong trung hạn thì cần xây dựng chính sách từ bây giờ.
 
Về trung và dài hạn, cần nâng cao hơn các mục tiêu NLTT hiện có để đảm bảo rằng chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam vẫn theo đúng các mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris và phù hợp với các nước khác trong khu vực; Mở rộng các mục tiêu năng lượng sang cả các ngành GTVT và nhiệt lạnh. Đồng thời, ban hành các quy định về tỷ lệ nội địa hoá hoặc cơ chế khuyến khích - thường là chi phí phần trăm trên tổng chi phí dự án và tăng dần theo thời gian.
 
Đối với đòn bẩy thứ hai, là giảm sâu phát thải CO2, gồm 7 nhóm chính sách như: Chiến lược và kế hoạch các-bon thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, cơ chế định giá các-bon, tiêu chuẩn phát thải và giảm trừ điện than, chuyển dịch thị trường lao động và phi các-bon hoá cho GTVT.
 
Ở đòn bẩy này, nhóm tư vấn đã đưa ra một số chính sách quan trọng như, trong ngắn hạn cần tăng cường các biện pháp hiệu quả năng lượng thông qua đầu tư công vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại các toà nhà công cộng; Ngừng mua sắm các phương tiện sử dụng động cơ đốt đối với tất cả các xe công vụ trong thời gian cụ thể.
 
Về trung hạn, cần đưa ra một mức thuế các-bon tương đối thấp, tập trung vào ngành điện và GTVT; lập lộ trình chuyển đổi dần các nhà máy điện than hết niên han để các đơn vị quản lý vận hành nhà máy có thời gian điều chỉnh tình hình tài chính và xây dựng lộ trình giảm sâu phát thải các-bon.
 
Về dài hạn, mở rộng quy hoạch điện trở thành một quy hoạch tài nguyên tổng hợp đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới; Xác định một lộ trình rõ ràng để tăng mức thuế các-bon theo thời gian để điều chỉnh mức giá phù hợp theo các mục tiêu tại hiệp định Paris.
 
Và đòn bẩy thứ ba là cơ sở hạ tầng, gồm 5 nhóm chính như: Chính sách cho hệ thống lưới phân phối, chính sách cho hệ thống lưới truyền tải, chính sách phát triển lưới điện thông minh, lưu trữ năng lượng và nâng cao tính linh hoạt cho hệ thống điện và khả năng chuyển đổi cho hạ tầng LNG.
 
Đối với nhóm đòn bẩy này, các chính sách được đề xuất trong ngắn hạn gồm tiếp tục chuẩn hoá quy trình đăng ký đấu nối với các hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ và các trạm sạc xe điện. Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển LNG phù hợp với chiến lược giảm phát thải các-bon dài hạn.
 
Bên cạnh đó, trong trung hạn cần bổ sung phân tích khả năng rủi ro mắc kẹt tài sản và đề xuất phương án có thể chuyển đổi mục đích sử dụng hạ tầng liên quan đến LNG trong các quy hoạch dài hạn.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý: Một chiến lược phát triển các-bon thấp cũng cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam. Hiện chúng ta đang là một quốc gia nhập khẩu lớn về dầu mỏ và than, và sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu lớn về khí thiên nhiên. Các xu hướng này tiếp tục làm suy giảm an ninh năng lượng của Việt Nam, khiến quốc gia dễ bị tổn thương trước các yếu tố ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát.
 
"Tuy nhiên, trong xu hướng chung, Việt Nam nên giảm dần đầu tư vào các ngành phát thải nhiều các-bon và chuyển qua mô hình năng lượng sạch hơn" - ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra kiến nghị.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nhiều bằng chứng cho thấy rõ, chuyển dịch năng lượng toàn cầu sẽ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội hơn so với lộ trình phát thải nhiều các-bon, nâng cao sức khoẻ cho con người thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường độc hại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Theo đó, các nước theo đuổi chiến lược các-bon thấp sẽ có cơ hội cao hơn để phát triển nền kinh tế thịnh vượng mới của thế kỷ 21. Nếu chuyển dịch năng lượng được thực hiện tốt ở Việt Nam thì có thể thúc đẩy quốc gia đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế, năng lượng, môi trường. Đó là một phần quan trọng trong tầm nhìn dài hạn và toàn diện mà Việt Nam cần hướng tới.

Link gốc

Theo: Báo Công Thương