Tin thế giới

Ấn Độ có kế hoạch xây dựng các trung tâm năng lượng mặt trời và gió ở biên giới Pakistan

Thứ hai, 28/10/2019 | 08:39 GMT+7
Ấn Độ có kế hoạch khởi động một loạt các dự án năng lượng tái tạo ở biên giới với Pakistan, một khu vực đầy nắng và gió, Anand Kumar, Bộ trưởng Năng lượng tái tạo Ấn Độ, cho biết.
Kết quả hình ảnh cho Tiềm năng
Ảnh minh họa.
 
New Delhi đang có một chương trình đầy tham vọng về phát triển năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đối mặt với sự suy thoái của nền kinh tế, trong ba năm qua chính phủ Ấn Độ đã tăng gấp ba đầu tư để giảm việc sử dụng dầu mỏ và than.
 
Ông Kumar nói với AFP: "Chúng tôi đã xây dựng các dự án có công suất 30 gigawatt ở Gujarat và 25 gigawatt ở Rajasthan". Chính phủ đã chọn các khu vực sa mạc khô cằn cho các cơ sở này, tìm cách tránh sử dụng đất nông nghiệp, ông Kumar nói thêm rằng những khu vực này rất lý tưởng cho năng lượng tái tạo.
 
Bộ trưởng Năng lượng tái tạo Kumar cho biết, các dự án sẽ bắt đầu khoảng 18 tháng sau khi được Bộ Quốc phòng bật đèn xanh và hoàn tất nghiên cứu khả thi. "Những trung tâm này sẽ giúp Ấn Độ giảm lượng khí thải carbon và đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận khí hậu Paris 2015", ông nói.
 
Hiện tại, 23% sản lượng điện của Ấn Độ đến từ các nguồn tái tạo, bao gồm cả năng lượng mặt trời và gió. Bộ trưởng Điện lực Ấn Độ RK Singh tuyên bố trước Quốc hội vào tháng 7/2019 rằng công suất lắp đặt điện tái tạo ở Ấn Độ đã vượt quá 80 gigawatt và sẽ đạt 175 gigawatt trong ba năm tới, như lời hứa của Thủ tướng Narendra Modi.
 
Tuy nhiên, đầu tư tư nhân ở Ấn Độ vào năng lượng tái tạo vẫn còn thấp và chính phủ đã phải vật lộn để tìm địa điểm cho các dự án năng lượng xanh.
 
Đối với chuyên gia Amit Bhandari của Gateway House có trụ sở tại Bombay, "Các khu vực biên giới phía tây là vùng đất chưa phát triển hoặc bán sa mạc, nên rất phù hợp cho việc xây dựng các trung tâm năng lượng mặt trời và gió".

Theo: AFP