Tin thế giới

Anh cam kết 136 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển tại COP26

Thứ năm, 4/11/2021 | 14:12 GMT+7
Ngày 3-11, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết Anh sẽ cam kết 100 triệu bảng Anh (136,19 triệu USD) để giúp các nước đang phát triển tiếp cận với các nguồn tài chính dễ dàng hơn.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak và chiếc vali biểu tượng cho tài chính xanh tại COP26 - Ảnh: REUTERS
 
Theo Hãng tin Reuters, ông Sunak khẳng định Anh sẽ góp phần điều chỉnh hệ thống tài chính toàn cầu để hướng tới mục tiêu khí thải ròng bằng 0 và giải quyết các rào cản về tài chính mà các nước đang phát triển phải đối mặt bằng một loạt sáng kiến ​​xanh mới.
 
Số tiền 136 triệu USD sẽ giúp các nước đang phát triển tài trợ cho các kế hoạch hành động vì khí hậu.
 
Ngoài ra, ông kỳ vọng mục tiêu tài chính khí hậu lớn hơn, trị giá 100 tỉ USD cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất sẽ có đủ vào năm 2023 để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở các nước đang phát triển.
 
Cũng trong ngày 3-11, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư quản lý số tài sản trị giá 130.000 tỉ USD trên thế giới cam kết đặt việc hạn chế biến đổi khí hậu là trọng tâm trong công tác của họ tại COP26.
 
Mục tiêu chính của COP26 là có đủ cam kết của các quốc gia trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu đến từ việc đốt than, dầu, khí gas, để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
 
Tuy nhiên, làm sao để hiện thực hóa các cam kết, đặc biệt ở các nước đang phát triển là một thách thức. Trên hết, quá trình chuyển đổi này cần rất nhiều tiền. Khi có tiền thì thách thức là cần có cơ chế để tiền được sử dụng đúng mục đích, minh bạch và tốt nhất là cần được tiêu chuẩn hóa trên toàn cầu.
 
Đây cũng là quan ngại mà nhiều nhà đầu tư đã lên tiếng về các rủi ro liên quan đến tài chính khí hậu.
 
Nói về cơ hội hưởng lợi của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, ông Đoàn Quốc Huy - phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn BIM Group tại Việt Nam - cho biết để đón nhận dòng tài chính xanh và đưa được lượng phát thải về 0 vào năm 2050 đòi hỏi chúng ta phải có một lộ trình chuyển đổi cụ thể. 
 
Trong đó có việc phát triển các nguồn năng lượng mới, bền vững như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Đồng thời cần có những giải pháp cho nguồn tích trữ, giải pháp về công nghệ để tăng tính ổn định cho các loại hình năng lượng mới.
 
Song song đó, Việt Nam cần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất tuabin, tấm quang điện… để hạ giá thành phát triển năng lượng tái tạo. Chúng ta hoàn toàn có thể định hướng để trở thành trung tâm sản xuất của các thiết bị này.
 
Theo: Tuổi trẻ