Các bộ trưởng Anh cho biết công suất điện năng của nước này có thể sẽ sụt giảm mất khoảng 1/5 trong 10 năm tới, trong khi nhu cầu lại tăng gấp đôi vào năm 2050, đồng thời cho rằng có thể phải tăng giá điện đối với các hộ gia đình để bù đắp một phần chi phí đầu tư vào công suất mới. Bộ trưởng Năng lượng Ed Davey nói: "Điều chúng tôi muốn là một cấu trúc thị trường đảm bảo chúng tôi có đủ điện chiếu sáng."
Ông cho biết cơ chế được hoạch định nhằm ổn định doanh thu cho các doanh nghiệp đầu tư vào việc sản xuất năng lượng ít khí thải cácbon không có nghĩa là trợ cấp điện hạt nhân nhưng nhằm làm giảm "chi phí đầu vào cao". Trừ phi năng lượng hạt nhân cạnh tranh về giá - vì ngành này nói rằng điều này là có thể - những dự án hạt nhân này sẽ không được tiếp tục.
Dự thảo luật, cần được các nghị sĩ nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng bao gồm cả tiêu chuẩn về thải khí nhằm chấm dứt tình trạng xây dựng những nhà máy điện chạy than "bẩn." Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Anh đã gặp phải trở ngại hồi tháng 3 năm nay khi các tập đoàn năng lượng Đức E.ON và RWE nói rằng họ đã quyết định rút khỏi liên doanh điện hạt nhân của họ ở Anh, mà theo kế hoạch sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới. Bản thân Đức cũng quyết định dần từ bỏ sản xuất điện hạt nhân, do những lo ngại về an toàn sau thảm họa hạt nhân năm 2011 ở Nhật Bản.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Anh được công bố năm 2011, nhiên liệu hóa thạch chiếm tới 90% nguồn cung năng lượng của nước này, khoảng 28% nguồn cung năng lượng đến từ nhập khẩu trong khi năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6,4%.
Ông Davey cho rằng dự thảo luật năng lượng của Anh sẽ giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu, tránh được những biến động về giá năng lượng thế giới và "đáp ứng những mục tiêu về biến đổi khí hậu của Anh bằng cách giảm khí thải cácbon trong ngành điện vào những năm 2030.
ST