Áp dụng công nghệ trong thi công, vận hành công trình trọng điểm quốc gia đường dây 500kV mạch 3

Thứ sáu, 17/7/2020 | 08:56 GMT+7
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) là công trình trọng điểm quốc gia.

 
Hiện nay, do nhiều địa phương chậm bàn giao giải phóng mặt bằng nên khả năng cuối năm nay dự án mới có thể hoàn thành, đóng điện. Xác định tầm quan trọng của công trình trọng điểm quốc gia này nên các đơn vị thi công xây lắp cũng như quản lý, giám sát đã ứng dụng nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại để kiểm soát tiến độ và chất lượng của dự án. 
 
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku2) gồm 3 dự án thành phần là đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2, có chiều dài 742km, với tổng số 1.606 vị trí cột đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai).
 
Với đặc điểm tuyến đường dây đi qua nhiều địa bàn và trải dài như vậy nên ứng dụng công nghệ để có được thông tin, kết nối nhanh nhất giữa các đơn vị, tổ đội và từng thành viên trên công trường là vô cùng quan trọng. 
 
Ông Đoàn Đức Hồng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP xây dựng điện Việt Nam (VNECO) - đơn vị có hơn 40 năm kinh nghiệm xây dựng các đường dây truyền tải điện và đang “đi đầu” trong việc thi công trên tuyến đường dây mạch 3 này, chia sẻ "tiến độ của công trình này rất gấp, chúng tôi tập trung chia ra các ban chỉ đạo, phân công lãnh đạo, và đặc biệt bám sát với các địa phương, với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý và các địa phương mà tuyến đường dây đi qua để tháo gỡ dần các vướng mắc về đền bù, chủ yếu là vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng trên công trình.. Chúng tôi ứng dụng các công nghệ về mạng và sử dụng các thiết bị để điều hành các công việc và nắm bắt thông tin".
 
Trong công tác thi công, nếu như năm 2013 Công ty CP xây lắp điện 1 (PCC1) đã dùng khinh khí cầu để kéo rải căng đường dây tải điện 500 kV dài 7 km thuộc dự án đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây (đoạn từ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai - đến huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) được coi là bước đột phá quan trọng về công nghệ trong xây lắp đường dây tải điện siêu cao áp tại Việt Nam, thì hiện nay, hầu như tất cả các công ty tham gia trên tuyến đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku2) này như công ty xây lắp điện 1, 2, 3, 4, Công ty CP xây dựng điện Việt Nam (VNECO), Công ty CP Sông Đà 11… đều đã trang bị các máy kéo, hãm để có thể kéo cùng lúc từ 2 đến 8 dây và dùng công nghệ flycam - thiết bị bay để rải dây.
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các Công trình Điện Miền Trung (CPMB) đại diện chủ đầu tư công trình này dẫn chứng cụ thể, 
"công ty xây lắp điện 1 dùng flycam để rải dây cáp mồi, tức là sử dụng dây cáp mồi cỡ khoảng φ2.. thì sau khi kéo dây dù φ2 xong thì sẽ kéo dây khoảng φ6 và dây dù φ6 sẽ kéo dây thừng cỡ khoảng φ20 và sau dây thừng φ20 thì sẽ kéo dây cáp thép. Sau đấy, chính dây cáp thép này mới bắt đầu kéo dây dẫn. Dùng công nghệ flycam này thì với 1 khoảng néo - ví dụ như hơn 3 km từ lúc sau khi rải xong cáp mồi đến lúc triển khai kéo dây chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, tiết kiệm ít nhất được một nửa thời gian kéo dây của một khoảng néo. Vấn đề thứ 2, khi kéo dây bằng công nghệ này thì độ võng của dây lúc nào cũng đạt cỡ khoảng 70%, các nhà thầu không cần phải chặt tỉa cây ở dưới để rải dây, giúp đảm bảo môi trường khi triển khai thi công".
 
Đó chỉ là một trong số rất nhiều các ứng ứng dụng công nghệ trong triển khai thi công, xây lắp trên tuyến đường dây 500kV mạch 3 này. Trong công tác tư vấn giám sát, Công ty Truyền tải điện 2 là đơn vị tư vấn giám sát, sau này sẽ tiếp nhận quản lý vận hành hơn 90% chiều dài toàn tuyến công trình Dz 500kV mạch 3 này nên chất lượng công trình được công ty đặc biệt coi trọng. Ngoài các công việc kiểm tra bình thường dưới mặt đất như kiểm tra thiết bị khi đưa vào cột, dây… thì khi đưa dây lên, tư vấn, giám sát cũng đã dùng công nghệ flycam để quay phim, chụp ảnh, xác định các vật tư thiết bị. Những hình ảnh quay, chụp tại đây được đưa về Trung tâm điều hành của Công ty Truyền tải điện 2 để phân tích và phản hồi lại ngay cho đơn vị thi công trong ngày, giúp tăng độ chính xác cũng như đẩy nhanh tiến độ của dự án. 
 
Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 2 cho biết, "đường dây 500kV mạch 3 là đường dây có khối lượng cột cao, trung bình từ 70-80 mét trở lên - gần như cao gấp rưỡi, gấp đôi đường dây 500kV mạch 1, mạch 2. Chính vì vậy việc áp dụng công nghệ là hết sức cần thiết. Chúng tôi đã dùng flycam để tham gia vào công tác tư vấn giám sát cùng với công tác giám sát truyền thống. Chúng tôi đã trang bị cho mỗi đơn vị truyền tải điện 01 chiếc flycam để tham gia vào trong quá trình giám sát dựng cột, kéo dây".
 
Theo kỹ sư Nguyễn Quang Vinh - Phòng Kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 2, nếu như trước đây để giám sát và nghiệm thu công trình thì người tư vấn giám sát phải sử dụng ống nhòm, hoặc phải trực tiếp leo lên cột để kiểm tra, còn bây giờ, nhờ sử dụng thiết bị bay - flycam đã cho hiệu quả rõ rệt, giảm được các thao tác leo trèo nguy hiểm. Kỹ sư Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, hiện tại các máy bay (flycam) để sử dụng tư vấn giám sát được đơn vị trang bị của hãng DCI, có khả năng bay xa tới 8km, với độ cao tối đa 500m, có chức năng room quang 4X (trong đó 2X là room quang và 2X là kỹ thuật số, giúp hỗ trợ tối đa tầm nhìn cũng như khả năng quan sát của người tư vấn giám sát… Trong công tác quản lý, vận hành thì hiện tại nó đang hỗ trợ công tác kiểm tra ngày, kiểm tra đêm, công tác kiểm tra đột xuất, kiểm tra kỹ thuật, giúp giảm bớt công leo trèo cao, công di chuyển, giảm bớt mối nguy hiểm cho người công nhân và còn được sử dụng để kiểm tra trước và sau khi mưa bão và quan sát được các vùng bị chia cắt bởi sông suối hoặc nước lũ".
 
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các Công trình Điện Miền Trung (CPMB) một điểm tiến bộ, hết sức quan trọng, đáng nói ở công trình này đó là, tư vấn giám sát cũng là đơn vị quản lý, vận hành công trình nên sau khi giám sát xong cung đoạn nào thì Công ty Truyền tải điện 2 tổ chức tiến hành nghiệm thu A-B-C luôn, có nghĩa là A-B-C của vị trí móng cột cũng như các khoảng néo, để sau này chỉ cần tổng hợp lại hồ sơ, thủ tục chứ không phải tiến hành đi nghiệm thu lại như cách thức cũ đã làm từ xưa - nghĩa là sau khi xong toàn bộ công trình rồi mới tổ chức cả đoàn đi nghiệm thu A-B-C ở giai đoạn cuối, “vừa phức tạp, lại rất mất thời gian. Với cách làm hiện nay, khi kết thúc từng móng cột, khoảng néo như thế này, sau khi xong thì cũng coi như là đã nghiệm thu xong. Đó là một trong những biện pháp mà các đơn vị thi công giúp đảm bảo chất lượng cũng như đẩy nhanh tiến độ của dự án” – đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Nguyên Long