Một góc điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ
Cho đến nay, các tỉnh đã tổ chức xong Đại hội Đảng. Điều khá bất ngờ là tại các tỉnh tưởng chừng như “thuần nông” này lại chọn năng lượng làm bước đột phá để phát triển kinh tế xã hội.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025 của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu chọn 3 khâu đột phá quan trọng. Trong đó, Bạc Liêu chọn phát triển năng lượng mà trọng tâm là năng lượng điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Bạc Liêu có lợi thế là cho đến nay, tỉnh này đã khởi động 12 công trình điện gió. Dự án điện năng lượng khí LNG có mức vốn đầu tư 4 tỉ USD cũng được triển khai. Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án năng lượng mặt trời đang chạy đua với thời gian để gấp rút hoàn thành trước tháng 1 năm 2021. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Nếu các nhà máy điện gió, điện khí, điện mặt trời đi vào hoạt động, Bạc Liêu sẽ vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước. Tỉnh Bạc Liêu sẽ tự cân đối ngân sách địa phương mà không xin trung ương hỗ trợ”.
Tại Sóc Trăng, lần đầu tiên sau 30 năm, tỉnh này không xây dựng chỉ tiêu sản lượng lương thực, thủy sản. Thay vào đó là tỉ lệ sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm trên 80% tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh. Tương tự, diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản cũng không đưa vào chủ tiêu. Thay vào đó là chỉ tiêu áp dụng khoa học kỹ thuât, nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản.
Cũng như Bạc Liêu, Sóc Trăng chọn điện gió, điện mặt trời để đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh 5 năm tới. Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, hiện nay tỉnh đã khởi động nhiều dự án điện gió tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề.
Trong khi đó, Cà Mau có 3 mặt giáp biển, là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước với trên 280.000ha lại vẫn ưu tiên phát triển năng lượng sạch để làm khâu đột phá phát triển kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phân tích: “Điện gió có khả năng phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, đem lại nguồn thu bền vững cho Cà Mau. Việc phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời không ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy tỉnh chọn năng lượng gió, năng lượng mặt trời ưu tiên phát triển”.
Ba tỉnh ở ĐBSCL này tưởng chừng như chỉ có rừng, biển, tôm, cá, đầm lầy chua mặn nay đã mạnh dạn bứt phá vươn lên trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia. Đây không còn là nước mơ nữa mà tất cả đã được đưa vào Nghị quyết để thực hiện trong những năm tới.