EVN và cuộc cách mạng 4.0

Bài 1: EVN và Cách mạng 4.0

Thứ ba, 4/6/2019 | 09:22 GMT+7
LTS: Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang có tác động mạnh đến Việt Nam nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng. 

Hệ thống thông tin phục vụ thị trường điện tại nhà máy thuỷ điện Sông Bung 4. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến những thách thức lớn đối với ngành điện. 
 
CMCN 4.0 có ảnh hưởng trực tiếp và trước tiên đối với 3 công đoạn chính trong hoạt động của ngành điện đó là sản xuất điện năng, phân phối điện năng và kinh doanh/ dịch vụ khách hàng. Trong đó, hoạt động kinh doanh/dịch vụ khách hàng là lĩnh vực thúc đẩy mạnh nhất dưới tác động của CMCN 4.0. Khách hàng sử dụng điện đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế số. Tất cả các hoạt động kinh doanh của EVN đều nhằm cải thiện cách thức phục vụ khách hàng. Để bạn đọc có cái nhìn tổng thể, chúng tôi cung cấp đến bạn đọc loạt bài về  những thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của EVN.
 
Cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam khiến cho bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào dù muốn hay không muốn cũng phải vào cuộc. Trong mọi công cuộc hiện đại hóa, người ta đều thấy sự hiện diện của công nghệ thông tin. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không nằm ngoài nguồn quay đó. Công nghệ thông tin trong lĩnh vực điện lực, khi thì ở vị trí mũi nhọn, khi là động lực và hiện nay đã trở thành công cụ đắc lực cho sự phát triển. 
 
Sự lựa chọn đúng đắn, duy nhất
 
Từ những năm 90 của thế kỷ 20, những đòi hỏi bức bách của nền kinh tế thị trường và xã hội đã đặt ra cho ngành điện Việt Nam những thử thách mới. Trong bối cảnh đó, sự lựa chọn đúng đắn duy nhất để đứng vững và phát triển của EVN là hiện đại hóa, tự đổi mới để tiến lên.
 
Nói đến công nghệ thông tin, người ta nghĩ ngay đến máy tính, tin học, viễn thông và điều khiển tự động. Vậy, những vấn đề trên của EVN đang đứng ở đâu trong cuộc Cách mạng 4.0 ?
 
Từ năm 1998, toàn EVN có chừng 3.000 máy vi tính cá nhân, 3 dàn máy tính hiện đại AS/400 và một dàn máy tính lớn DPS 700 của Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Nam) và Điện lực TP Hồ Chí Minh (nay là Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh). Mạng máy tính diện rộng (WAN) của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ra đời và bắt đầu hoạt động. Nhiều cơ quan, đơn vị của EVN đã xây dựng xong mạng cục bộ (LAN) hoạt động độc lập. Vào thời điểm đó, những con số này không hề nhỏ, nó chứng tỏ EVN đã thực sự quan tâm đến máy tính và phát triển tin học.
 
Trên cơ sở đó, ứng dụng gia công hóa đơn tiền điện đã phổ biến ở các công ty và điện lực. Các ban của EVN cùng Trung tâm NCKH Công nghệ, Môi trường và Máy tính (nay là Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin- EVNICT) thống nhất các ứng dụng tài chính kế toán, quản lý tài sản cố định, quản lý giao nhận điện năng, quản lý giá thành trong toàn EVN; 4 dự án SCADA được gấp rút thực hiện, nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2-1, nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn đã có hệ thống điều khiển được máy tính hóa; các trạm biến áp (TBA) 500kV và một số TBA 220kV và 110kV mới xây dựng đã sử dụng các thiết bị thông minh (IED) cho bảo vệ và đo đếm…Tuy nhiên, những thiết bị kể trên chưa được đồng bộ, chưa có hệ thống, chủ yếu phục vụ tại chỗ hoặc giới hạn trong phạm vi hẹp nên chỉ có tác dụng hạn chế cho mục đích xử lý trực tuyến (online) trong công tác vận hành.
 
Đường trục cáp quang trên đường dây 500kV hoạt động tin cậy, chất lượng đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu viễn thông-tin học- điều khiển tự động cho các trọng điểm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hòa Bình.
 
Tốc độ phát triển đến chóng mặt của công nghệ máy tính, tin học, viễn thông và sức ép quá mạnh về nhu cầu từ phía khách hàng dẫn đến một xu hướng không có gì có thể đảo ngược được, đó là sự hội tụ về công nghệ của các ngành viễn thông-tin học- điều khiển. Mạng Internet toàn cầu là một ví dụ sống động, điển hình về việc đó. Ngày nay, trong các thiết bị điều khiển, viễn thông hiện đại người ta đều thấy ít nhất một mảng được thiết kế, chế tạo theo kiểu một máy tính chuyên dụng và ngược lại trong các máy tính, đặc biệt là mạng máy tính, một số tính năng viễn thông, điều khiển đã được tích hợp vào rất chặt chẽ, tới mức không còn phân biệt được rạch ròi đâu là máy tính, đâu là viễn thông, đâu là điều khiển theo cách phân biệt truyền thống. Điều này đã dẫn tới yêu cầu, muốn làm chủ được công nghệ, làm chủ được thiết bị, cán bộ máy tính phải biết thêm về viễn thông, điều khiển, cán bộ viễn thông phải biết thêm về máy tính, điều khiển và tất nhiên, cán bộ làm về điều khiển phải phải có kiến thức về viễn thông, máy tính. Có như vậy, những người làm công tác công nghệ thông tin mới có được tiếng nói chung. Thực tế cho thấy, những dự án công nghệ thông tin thành công trên thế giới đều có phần đóng góp quan trọng của sức mạnh tổng hợp này. EVNICT và các đơn vị của EVN có đầy đủ các thành phần cốt yếu để cấu thành sức mạnh xây dựng công nghệ thông tin hiện đại của ngành Điện Việt Nam.
 

Công nhân Điện lực Đông Hà (Công ty Điện lực Quảng Trị) hướng dẫn khách hàng tra cứu thông tin và các dịch vụ của ngành điện thông qua các thiết bị điện tử cá nhân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tin học hóa trong kinh doanh điện năng
 
Với mục tiêu tăng cường tin học hoá trong công tác kinh doanh Điện năng, phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng, EVN đã giao cho Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) xây dựng hệ thống thông tin và dịch vụ khách hàng CMIS - phiên bản 1.0 và đưa vào áp dụng chính thức từ tháng 2-2004. Đây là một hệ thống phần mềm dùng chung trong công tác kinh doanh điện năng đầu tiên áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc, có quy mô lớn, phức tạp, phạm vi ứng dụng rộng, công nghệ hoàn toàn mới so với hệ thống của một số đơn vị đang sử dụng trước đó. Sau hơn 3 năm triển khai và áp dụng, hệ thống CMIS 1.0 đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong công tác kinh doanh điện năng, công tác quản lý cũng như giảm chi phí đầu tư mua sắm các phần mềm hỗ trợ. 
 
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của CNTT cũng như các yêu cầu ngày càng tăng trong công tác kinh doanh điện năng, chi phí mua bản quyền Oracle khá cao thì việc ra đời một phiên bản CMIS 2.0 mới, linh hoạt hơn, hoạt động được trên nhiều nền tảng CSDL (trước mắt là SQL Server) nhằm cung cấp cho các Công ty một lựa chọn hợp lý, tối ưu cho vấn đề bản quyền các phần mềm hệ thống, cơ sở dữ liệu,  đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại mà hệ thống hiện còn vướng mắc là thực sự cần thiết và hữu ích.
 
Hệ thống CMIS 2.0 phục vụ chủ yếu cho công tác kinh doanh tác nghiệp tại các chi nhánh (với các công ty Điện lực miền) và điện lực (các công ty điện lực thành phố). Cán bộ nghiệp vụ ở các Đơn vị có thể truy cập vào chương trình, thông qua mật khẩu, tên đăng nhập để thực hiện chức năng nghiệp vụ với quyền hạn được cấp: cập nhật thông tin, tính toán, in ấn, tìm kiếm thông tin, thực hiện trao đổi thông tin với các hệ thống ngoài.
 
Cán bộ quản lý các cấp từ bộ phận quản lý Nghiệp vụ ở các Phòng ban đến Chi nhánh, Điện lực, Công ty và Tập đoàn đều có thể truy cập vào chương trình, thông qua mật khẩu, tên đăng ký người dùng để thực hiện chức năng nghiệp vụ với quyền hạn được cấp (thực hiện các báo cáo, thống kê, tra cứu tìm kiếm thông tin). Người sử dụng có thể tương tác với hệ thống CMIS 2.0 thông qua ứng dụng deskptop trên các máy trạm (phiên bản Window) hoặc thông qua trình duyệt (phiên bản Web).
 
Hệ thống CMIS được xây dựng và triển khai đã cho phép các công ty điện lực có thể áp dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ kinh doanh điện năng, tạo thành một chu trình sản xuất khép kín, quản lý thông tin khách hàng từ khi ký đến khi thanh lý hợp đồng, bao gồm: Quản lý thông tin dịch vụ khách hàng (các chức năng liên quan đến nghiệp vụ quản lý thông tin dịch vụ khách hàng bao gồm việc phát triển khách hàng bảo đảm phù hợp với nghiệp vụ quản lý khách hàng của EVN, quản lý thông tin từ khâu giấy đăng ký đến khâu thanh lý hợp đồng; thay đổi bổ sung trong quá trình thực hiện hợp đồng; các thông tin liên quan đến việc xử lý vi phạm sử dụng điện...); Quản lý cập nhật chỉ số và lập hóa đơn (các chức năng lập hoá đơn quản lý chặt chẽ chỉ số công tơ liên tục từ tháng này qua tháng khác; giao dịch hoá nghiệp vụ quản lý hoá đơn: phát hành, thoái hoàn, thu tiền, thanh lý, bàn giao); Quản lý thu tiền và công nợ (các chức năng quản lý công nợ, quản lý chi tiết công nợ khách hàng: Từng hoá đơn đã phát hành, từng giao dịch thao tác trên hoá đơn); Quản lý tổn thất (các chức năng quản lý tổn thất cho phép định nghĩa một cách lô-gic vùng tổn thất, bảo đảm áp dụng một cách năng động cho việc tính tổn thất của Công ty, Điện Lực, Chi nhánh, tổ phường, lộ đường dây, vùng tổn thất bất kỳ); Quản lý đo đếm (các chức năng quản lý công tơ và các thiết bị đo đếm khác trong suốt chu kỳ sống của thiết bị, từ lúc nhập kho, qua khâu kiểm định, treo/tháo và thanh lý); Phân hệ báo cáo tổng hợp (kết xuất toàn bộ các báo cáo tổng hợp theo quy định của EVN và Điện Lực. Chức năng còn cho phép khai báo các báo cáo khác theo yêu cầu quản lý); Phân hệ quản trị hệ thống (quản lý các thông tin liên quan đến hệ thống bao gồm: Vào, ra hệ thống, quản lý người sử dụng, nhóm người sử dụng, phân quyền truy cập các chức năng của hệ thống. Thiết lập các tham số để hệ thống sử dụng khi vận hành như thiết lập kết nối cơ sở dữ liệu, xác định đơn vị vận hành, ngày hoạt động của hệ thống, ...).
 
Hệ thống thông tin quản lý khách hàng, thông tin sẽ được phản ánh kịp thời cho lãnh đạo điều hành, sản xuất, thời gian cung cấp thông tin nhanh và tin cậy, quy trình nghiệp vụ thống nhất trên toàn EVN tạo điều kiện thuận lợi, giúp EVN ngày càng hiện đại hoá, chuẩn hoá để có thể dễ dàng hội nhập với nền kinh tế thế giới.
 
(Còn nữa)
Thanh Mai/Icon.com.vn

Bình luận của bạn

Captcha image