Mỹ cần nhiều điện hơn bao giờ hết, cho nhà máy, phương tiện điện, hệ thống sưởi, và đặc biệt là trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (A.I). Ảnh: Bloomberg.
Ngành điện lâu nay được coi là lĩnh vực ổn định, ít biến động. Dù dân số Mỹ ngày càng gia tăng và nhu cầu sử dụng điện tăng, những cải tiến về hiệu suất năng lượng đã giúp giữ mức tiêu thụ gần như không đổi từ đầu thế kỷ XXI. Nhưng hiện tại, tình hình đang thay đổi nhanh chóng.
Mỹ cần nhiều điện hơn bao giờ hết, cho nhà máy, phương tiện điện, hệ thống sưởi, và đặc biệt là trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (A.I). Nhu cầu bùng nổ tạo áp lực chưa từng thấy lên ngành năng lượng, có thể sánh với thời Thế chiến II. Tình hình còn phức tạp hơn khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch gặp khó khăn, và khả năng ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng hứa hẹn thêm nhiều xáo trộn.
“Ảnh hưởng của A.I lên lưới điện diễn ra quá nhanh. Những dự báo tăng trưởng tải điện đang ở mức chưa từng có”, ông Timothy Fox, Chuyên gia của ClearView Energy Partners, nhận xét.
Theo công ty tư vấn Grid Strategies, nhu cầu điện tại Mỹ dự báo tăng gần 16% trong 5 năm tới, gấp 3 lần so với ước tính năm ngoái. Đây là sự thay đổi lớn, vì trong hơn hai thập kỷ qua, nhu cầu điện ở Mỹ chỉ tăng chưa đầy 1% mỗi năm. Năm 2024, tăng trưởng điện năng được dự báo đạt 3%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, ngành điện không giống các ngành khác. Việc xây dựng nhà máy điện và đường dây truyền tải mất hàng chục năm, với vòng đời hoạt động kéo dài tới nửa thế kỷ. Tại bang Georgia, các trung tâm dữ liệu và dự án năng lượng lớn gia tăng nhanh chóng. Chỉ riêng năm 2023, Georgia Power đã điều chỉnh dự báo nhu cầu điện từ 17 gigawatt lên hơn 36 gigawatt vào giữa thập niên 2030.
Áp lực này khiến các công ty điện lực phải đưa ra những quyết định bất ngờ. Sau nhiều năm đóng cửa nhà máy điện than để giảm phát thải, một số công ty đang thay đổi chiến lược. Tại Ohio, FirstEnergy dự định tiếp tục vận hành nhà máy điện than ở West Virginia, từ bỏ kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu này trước năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện than khác trên khắp nước Mỹ, vốn được lên kế hoạch đóng cửa trong vài năm tới, cũng đang được gia hạn hoạt động do nhu cầu tăng vọt.
Nhiều bang ưu tiên ổn định nguồn cung và giá điện hơn mục tiêu cắt giảm khí thải carbon. Ông Rob Gramlich, Chủ tịch Grid Strategies, nhận định mục tiêu khí hậu rất tốt, nhưng trước áp lực, sự ổn định sẽ được ưu tiên.
Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump, người ủng hộ nhiên liệu hóa thạch và phản đối biến đổi khí hậu, có thể làm chậm các nỗ lực giảm phát thải. Các chính sách khí hậu như Đạo luật Giảm Lạm phát có nguy cơ bị rút lại, còn các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi, đối mặt nhiều rủi ro.
Ở một khía cạnh khác, năng lượng hạt nhân, lĩnh vực nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng, lại có cơ hội phát triển. Nhiều công ty công nghệ lớn như Alphabet, Amazon và Meta đã lên kế hoạch sử dụng điện hạt nhân cho trung tâm dữ liệu. Microsoft cũng ký thỏa thuận mua điện từ lò phản ứng tại Three Mile Island, Pennsylvania, nơi từng xảy ra sự cố hạt nhân lớn nhất lịch sử Mỹ.
Dù vậy, những thay đổi dưới thời ông Trump có thể gây ra bất ổn lớn. Ông Bob Frenzel, Giám đốc Điều hành Xcel Energy, cho biết ông đang thúc đẩy chính quyền mới đầu tư mạnh vào hệ thống truyền tải. "Tôi đang cố gắng thuyết phục chính quyền mới nghĩ về những đường truyền tải cần thiết cho thế kỷ tới, chẳng hạn như hãy làm cho lưới điện vĩ đại trở lại”, ông Frenzel nói.
Link gốc