\
Công việc tất bật hằng ngày khiến bạn phải sử dụng máy giặt thường xuyên để giảm tải việc nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết vận hành máy giặt đúng cách và tránh những thói quen sai lầm làm giảm đi tuổi thọ của máy.
“Quá tải” hay “quá ít” đều có hại
Cho đồ cần giặt nhiều hơn khối lượng quy định của máy khiến trục xoay trong lồng giặt quá tải và mắc kẹt hoặc rung lắc do lệch tâm thiết kế ban đầu, từ đó khiến trục xoay hỏng hoặc bị nhờn. Hơn nữa, giặt quá nhiều khiến quần áo chuyển động thành một khối, không thể khuấy hoặc lắc mạnh theo guồng quay của dòng nước, từ đó chất tẩy và bụi không được rửa trôi như khi bạn giặt với số lượng vừa đủ.
Cho quá nhiều đồ vào máy giặt vừa không sạch vừa nhanh làm hỏng máy
Còn khi giặt quá ít thì quần áo có thể sẽ dồn về một phía của lồng giặt, làm cho lồng giặt mất cân đối, gây nên những cú lắc mạnh, va đập trong khi vắt và sấy. Vì thế, tốt nhất bạn nên căn đúng khối lượng quần áo cho một lần giặt tương đương với quy định trọng lượng máy giặt, khoảng 4/5 so với chiều cao của lồng giặt.
Sử dụng chất tẩy rửa không phù hợp
Dùng bột giặt tay cho máy giặt, dùng bột giặt máy cửa trên cho máy cửa ngang đều gây hại cho máy, vì bột giặt tay thường có nhiều bọt hơn bột giặt thường, bột giặt máy cửa trên có nhiều bọt hơn máy cửa ngang, sẽ làm hỏng máy giặt khi bọt tràn ra ngoài.
Bên cạnh đó, sử dụng lượng chất tẩy không đúng khuyến cáo của nhãn hàng, đặc biệt dùng nhiều hơn hướng dẫn cũng gây hại cho máy và không giúp quần áo sạch hơn, bởi bột chất tẩy nhiều quá không tan hết sẽ dính lại trên vải vóc và thiết bị.
Mở nắp máy đột ngột khi máy đang hoạt động
Mở nắp máy khi lồng giặt đang quay có thể khiến máy giặt bị hỏng và gây nguy hiểm cho người sử dụng, bởi việc mở nắp máy giặt khiến mọi hoạt động bị gián đoạn, trục quay của lồng giặt bị lệch. Để an toàn, bạn cần nhấn nút tạm dừng trước khi muốn mở nắp máy giặt.
Mở nắp khi lồng giặt đang quay không chỉ làm giảm tuổi thọ của máy mà còn gây nguy cho người dùng.
Bỏ quên đồ kim loại trong quần áo
Nếu bỏ quên chìa khóa, bật lửa, bấm móng tay... trong quần áo thì khi máy đang hoạt động, những món đồ này có thể văng ra ngoài, làm xước lồng giặt, ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy. Tệ hơn là chúng có thể bị mắc kẹt trong các khe, gây chập cháy vì máy giặt đang hoạt động cao bị ngừng đột ngột.
Ngoài ra, bạn cũng nên kéo khóa quần trước khi cho vào máy giặt vì dây khoá kéo có thể bị mắc vào trong các lỗ trống bên trong lồng giặt, gây hại cho máy giặt không kém gì việc bỏ quên đồ kim loại trong quần áo.
Không lấy quần áo ra khỏi máy sau khi giặt
Nhiều người dùng có thói quen không lấy quần áo ra khỏi máy sau khi giặt. Tuy nhiên, để quần áo còn ướt trong máy một thời gian dài sẽ không chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây ra mùi hôi khó chịu cho lồng giặt và quần áo mà còn khiến máy giặt ẩm ướt, dễ hư hỏng, chập điện. Vì vậy, sau khi giặt xong bạn nên phơi luôn quần áo và mở nắp máy giặt để thông gió, giúp khô thoáng lồng giặt bên trong.
Để quần áo ướt trong máy một thời gian dài sẽ khiến quần áo và lồng giặt bốc mùi hôi khó chịu.
Sử dụng máy giặt liên tục
Khi giặt xong máy cần được nghỉ ngơi và làm nguội động cơ. Nếu bạn giặt liên tục sẽ khiến máy bị quá tải và dễ hư hại thiết bị bên trong.
Đặt máy ở những nơi ẩm ướt hoặc quá nhiều ánh nắng
Đặt máy giặt ở những nơi ẩm ướt như nhà tắm, nhà bếp, gần chậu rửa không chỉ khiến máy giặt bị ẩm ướt mà còn dễ khiến nước rơi vào bảng điều khiển của máy. Điều này có thể khiến máy không thể vận hành. Ngược lại nếu đặt máy giặt ở ban công hoặc những nơi có ánh nắng chiếu vào cũng dễ làm hỏng các linh kiện điện tử bên trong máy.
Để máy giặt nơi ẩm ướt hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến tuổi thọ của máy giặt giảm xuống.
Kê máy giặt bị lệch
Việc đặt máy giặt không trên một mặt phẳng, kê máy cập kênh sẽ khiến máy bị rung lắc mạnh, gây ra tiếng ồn và dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu khi vận hành. Điều này vô cùng có hại cho tuổi thọ của máy.
Cắm điện máy giặt ngay cả khi không dùng
Nếu không rút phích cắm máy giặt ra khi không sử dụng có thể khiến dòng điện tăng giảm bất ngờ, gây tổn hại tới các mạch điện bên trong và làm tan chảy những thành phần làm bằng nhựa trong bộ vi xử lý của máy.
Chọn mực nước, thời gian giặt “tùy hứng”
Chọn thời gian giặt và mực nước tối đa không chỉ tốn thêm nước, thêm điện mà còn làm chất lượng áo quần giảm xuống, nhanh bị sờn hỏng.
Tuy nhiên, nếu bạn chọn mực nước quá thấp hay thời gian giặt quá ngắn thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của máy cũng như chất lượng giặt. Cách tốt nhất là bạn nên chọn mực nước và thời gian giặt phù hợp với lượng quần áo cần giặt của mình.