Lãnh đạo EVN/EVNNPT trao biểu trưng ủng hộ 2 xe cứu thương (trị giá 2 tỷ đồng) cho tỉnh Ninh Thuận để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tham dự buổi làm việc có ông Phùng Mạnh Ngọc - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực; ông Phan Tấn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tỉnh Ninh Thuận.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV EVNNPT; ông Phạm Lê Phú – Tổng giám đốc EVNNPT; ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNNPT; ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB), ông Nguyễn Công Thắng – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3.
Tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm
Tuyến đường dây đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều dài 68,78km, bao gồm 132 vị trí móng trụ. Trong đó huyện Bác Ái (61 vị trí), huyện Ninh Sơn (22 vị trí), huyện Ninh Phước (28 vị trí) và huyện Thuận Nam (21 vị trí). Trong đoạn tuyến đi qua rừng có 42 vị trí móng. Đến nay tỉnh Ninh Thuận đã bàn giao 24/132 vị trí móng, tuy nhiên chưa bàn giao được khoảng cột và khoảng néo hành lang tuyến nào.
Công tác kê kiểm phần móng trụ, hành lang tuyến tại các địa phương cơ bản đã hoàn thành. Hiện nay, UBND các xã đang đồng loạt họp xét nguồn gốc đất. Số hộ dân còn lại chưa kê kiểm được chủ yếu có đất, tài sản bị ảnh hưởng bởi hành lang an toàn với nguyên nhân chính, người dân có hộ khẩu ngoài địa phương, làm ăn xa và không thống nhất mức giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Lãnh đạo EVN/EVNNPT trao biểu trưng ủng hộ cho huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, mỗi huyện 500 triệu đồng để các địa phương thực hiện phòng chống dịch COVID-19 phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.
Liên quan đến mức hỗ trợ đất nông nghiệp trong hành lang theo quy định của UBND tỉnh Ninh Thuận là (30%) nên các hộ dân không đồng thuận sẽ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng hành lang tuyến. Ngày 23/9/2021, Sở TN&MT Ninh Thuận có văn bản báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ đất hành lang theo hướng đồng bộ với tỉnh Khánh Hòa.
Về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, EVNNPT đã hoàn thiện báo cáo công tác kê kiểm, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ, đường tạm thi công và đã trình thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng qua địa bàn. Hiện nay, Sở NN&PTNT Ninh Thuận đang hoàn thiện hồ sơ để tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng 27 vị trí đi qua rừng tự nhiên và trình Hội đồng nhân dân tỉnh 15 vị trí rừng trồng và rừng phòng hộ.
Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết đây là dự án cấp bách, vừa để giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1, vừa giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong những năm tới. Ngoài ra, dự án còn thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư BOT. Chính vì vậy EVN mong muốn UBND tỉnh Ninh Thuận, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tối đa để EVN hoàn thành dự án trong tháng 12/2022.
Tại cuộc họp, EVN/EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam khẩn trương đôn đốc các xã còn lại xác minh nguồn gốc đất hoàn thành trong tháng 9/2021; Lập phương án bồi thường, phê duyệt chi trả tiền chậm nhất trong tháng 10/2021.
Đối với thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng kiến nghị UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh để họp thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với 15 vị trí đi qua rừng trồng. Sở NN&PTNT và các sở liên quan sớm hoàn thiện thủ tục để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 09/2021.
Tỉnh Ninh Thuận không để chậm tiến độ dự án vì vướng mặt bằng
Phó Tổng giám đốc EVN – Nguyễn Tài Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – Phan Tấn Cảnh cho biết: Sau cuộc họp trực tuyến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào đầu tháng 9/2021, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo rốt ráo và các sở, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh vào cuộc rất quyết liệt, đã đạt được khối lượng công việc lớn. Hiện nay, cơ bản các địa phương không còn vướng mắc gì mà một số thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cần thực hiện theo trình tự nên cần có thời gian.
Tỉnh Ninh Thuận luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) đối với dự án này nên đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, có khó khăn vướng mắc gì cần báo lãnh đạo UBND tỉnh sớm nhất và trao đổi nhanh nhất với chủ đầu tư. Tỉnh Khánh Hòa đã vận dụng chính sách tốt nhất để hỗ trợ người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tham gia vận động người dân. Tỉnh Ninh Thuận cam kết với EVN/EVNNPT sẽ hoàn thành mặt bằng vị trí cột trong năm 2021 và hành lang tuyến sẽ hoàn thành cuốn chiếu từ tháng 1-6/2022.
UBND tỉnh Ninh Thuận trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vì đã có những đóng góp tích cực trong phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – Phan Tấn Cảnh cũng thống nhất phương thức làm việc với EVN, trong đó hàng tuần gửi báo cáo, 2 tuần sẽ họp giao ban 1 lần và 1 tháng tổ chức sơ kết đánh giá những mặt đã làm được, chưa làm được để đưa ra cách thức điều hành phù hợp nhất, đảm bảo tiến độ dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – Phan Tấn Cảnh giao Sở Công Thương theo dõi, cập nhật tiến độ báo cáo UBND tỉnh hàng tuần.
Tại chương trình, lãnh đạo EVN/EVNNPT trao biểu trưng ủng hộ 2 xe cứu thương (trị giá 2 tỷ đồng) cho tỉnh Ninh Thuận để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Trao biểu trưng ủng hộ mỗi huyện 500 triệu đồng cho huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam để các địa phương thực hiện phòng chống dịch COVID-19 phục vụ công tác BTGPMB dự án.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có Quyết định trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vì đã có những đóng góp tích cực trong phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh.