Sản xuất kinh doanh

Bảo đảm cung ứng điện dịp cao điểm mùa nắng nóng

Thứ hai, 14/4/2025 | 10:43 GMT+7
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, mùa nắng nóng năm nay sẽ bắt đầu từ nửa cuối tháng 4/2025 tại nhiều địa phương trên cả nước và sẽ kéo dài từ 2-3 tháng, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trong mùa nắng nóng có thể tăng cao đột biến.

Đội ngũ vận hành, kỹ thuật tại Công ty CPNĐ Hải Phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát thiết bị nhằm sớm phát hiện các bất thường. 

Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2025 (được điều chỉnh bằng Quyết định số 3300/QĐ-BCT ngày 15/12/2024), tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2025 dự kiến đạt 347,5 tỷ kWh, cao hơn 12,5% so với năm 2024. Riêng trong các tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 6, Bộ Công Thương dự báo phụ tải điện có thể tăng trên 14%. 

Minh chứng từ con số tiêu thụ điện trong tháng 3 vừa qua, dù chưa phải cao điểm nắng nóng, nhưng số liệu của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cho thấy, phụ tải thực tế đã đạt trung bình 874,5 triệu kWh/ngày, tăng 47,8 triệu kWh/ngày so cùng kỳ năm 2024. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trong tháng 3 đã đạt 86,97 triệu kWh/ngày, cao hơn 16,32% (tương đương 12,02 triệu kWh/ngày) so tháng 2 là 74,76 triệu kWh/ngày. Trong đó, sản lượng điện sinh hoạt cũng đạt 42,64 triệu kWh/ngày, cao hơn 19,81% của tháng 2. Những ngày tháng 4 này cũng đang được được dự báo là đỉnh điểm của nắng nóng, chưa có mưa và thời tiết oi bức, sản lượng điện khu vực Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mỗi ngày đạt 100,8 triệu kWh, tăng khoảng 26,04 triệu kWh (tương đương 34,83%) so tháng 2 và tăng khoảng 13,83 triệu kWh (tương đương 15,5%) so tháng 3. 

Rõ ràng, những tháng cao điểm nắng nóng tới là thách thức lớn đối với việc cung ứng điện. Để bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang triển khai các biện pháp như: về nguồn điện, EVN đã cùng các đơn vị thành viên đã duy trì hồ chứa thủy điện ở mức nước đảm bảo theo quy định; phối hợp với Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bảo đảm nguồn than ổn định, đúng tiến độ; cân đối đủ nhiên liệu dầu và khí cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất điện. EVN cũng đã hoàn thiện phương án vận hành hệ thống điện trong điều kiện nắng nóng cực đoan kéo dài từ 5 - 7 ngày trở lên, đặc biệt là ở miền Bắc; tăng cường truyền tải công suất từ miền Trung ra miền Bắc; đồng thời điều tiết nước tại các hồ thủy điện để đảm bảo công suất khả dụng; rà soát, khắc phục các sự cố; hoàn thành sớm việc sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy… 

Yêu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh luôn ở mức cao; đặc biệt vào mùa hè, nắng nóng cực đoan kéo dài với nền nhiệt cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện cục bộ từ tháng 5 - 7. Năm 2024, trong những tháng cao điểm nắng nóng, hệ thống điện đã liên tiếp lập kỷ lục mới về công suất, sản lượng, ngoài các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện, bảo đảm tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt các hệ thống lưới điện thì công tác về quản lý nhu cầu điện, sử dụng tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng hơn cả. 

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong số các giải pháp quan trọng và cấp bách, Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo khuyến khích sáng tạo trong thực hiện tiết kiệm điện. Thực hiện Chỉ thị đó, EVN đã kêu gọi các đơn vị, khách hàng tham gia thực hiện chương trình Điều chỉnh phụ tải (DR), khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển thời gian sản xuất sang khung giờ thấp điểm để giảm tải cho lưới điện, cụ thể như điều chỉnh kế hoạch sản xuất, hạn chế vận hành máy móc vào giờ cao điểm; sử dụng điều hòa hợp lý, đặt nhiệt độ từ 26-27 độ C kết hợp với quạt; tắt các thiết bị điện không cần thiết… Đây là một trong những yếu tố then chốt nhằm giảm áp lực cho hệ thống điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Lê Chi