Sử dụng điện để đánh cá, bẫy chuột, bẫy trộm ... là hành vi nguy hiểm bị nghiêm cấm
Vào lúc 17 giờ 20 phút ngày 22/08/2007, ông Phạm Trường Hận ngụ tại ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thắng, Huyện Gò Quao, Tỉnh Kiên Giang đã dùng dây chì kéo quanh hàng rào nhà, sau đó nối dây vào nguồn điện 220 V để chống trộm. Cùng thời gian một bé gái hàng xóm đi hái rau khu vực nhà ông Hận đã chạm vào cây chuối có dây chì nên bị điệt giật, rất may bé gái té ra ngoài dây chì nên không bị tử vong. Trường hợp sử dụng điện chống trộm này đã vi phạm theo mục b, khoản 2, Điều 8, Nghị định số 105/2005/NĐ -CP ngày 17/08/2005 của Chính phủ: “Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng”. Sau khi bị Điện lực và chính quyền địa phương phát hiện, ông Hận đã nhận sai sót vì thường xuyên bị trộm vặt nên đã sử dụng điện để chống trộm đồng thời ông Hận cũng cam kết sẽ không tái phạm. Chi nhánh điện phối hợp với Chính quyền địa phương đã lập biên bản và đề xuất xử phạt hành chính ông Hận theo mục d - khoản 4, Điều 9, Nghị định số: 74/2003/NĐ-CP ngày 26/06/2003 của Chính phủ: “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tập ngụ tại ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Huyện Gò Quao có 2 công ruộng chuẩn bị thu hoạch, nhưng bị chuột cắn phá. Do xót lúa hư nên ông Tập dùng dây chì kéo điện quanh ruộng để diệt chuột, lúc 06 giờ sáng ngày 4/11/2007 khi ra thăm ruộng ông Tập đã phát hiện ông Nguyễn Thành Giàu ngụ cùng ấp, nằm chết với tư thế hai tay còn nắm chặt dây chì, mặt úp xuống vũng nước. Ông Tập đã đến Công an xã tự thú và thừa nhận sử dụng điện để diệt chuột gây chết người.
Hành vi sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ cá nhân như: Chống trộm, bẫy chuột, bảo vệ hoa màu nếu gây hậu quả chết người, ngoài vi phạm theo Mục b, Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/08/2005 của Chính phủ: “Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng”, người vi phạm còn bị kết tội giết người theo khoản 2, điều 93 của Bộ Luật hình sự.
Trong hai năm 2006 và 2007, các chi nhánh điện trực thuộc Điện lực Kiên Giang đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân bằng các hình thức như: Panô, áp phích, tờ bướm trong nhân dân và có biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện các hành vi sử dụng điện không an toàn, cương quyết thu giữ các dụng cụ như: Vợt, dây chì, dây điện, tránh tình trạng cố tình sử dụng lại dụng cụ để gây tai nạn điện cho con người. Định kỳ hàng quý, Điện lực Kiên Giang đã phối hợp với Sở Công Nghiệp, Đài Phát Thanh - Truyền Hình Kiên Giang thực hiện chuyên mục an toàn điện trên sóng phát thanh và truyền hình để đưa những thông tin, những hình ảnh đã gây những cái chết thương tâm do việc sử dụng điện sai mục đích gây ra.
Mặc dù đã được khuyến cáo về sự nguy hiểm của việc dùng điện sai mục đích, nhưng nhiều người do sợ bị mất tài sản đã cố tình, bất chấp hậu quả dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Khi những chiếc bẫy điện này gây ra cái chết cho những người vô tội, chủ nhân của nó mới hối hận thì đã quá muộn. Chúng ta có thể có nhiều cách để giữ tài sản của mình nhưng không nhất thiết phải dùng điện để làm phương tiện bảo vệ, phòng tránh việc gây nguy hiểm cho bản thân và cho những người xung quanh.