Để ứng dụng blockchain thành công, các lưới điện thông minh đòi hỏi mọi người phải chia sẻ thông tin.
Đây là điều rất nhiều công ty và cá nhân e ngại thực hiện.
Nhưng nếu việc đào tiền mã hóa tiêu tốn rất nhiều điện năng và làm gia tăng lượng khí thải CO2, blockchain lại có thể trở thành chất xúc tác thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh.
Là một trong những phát kiến công nghệ được chú ý nhất trong 10 năm trở lại đây, blockchain được kỳ vọng sẽ làm biến đổi từ các giao dịch trực tuyến cho tới các chính phủ điện tử. Giờ đây công nghệ này còn có tiềm năng thay đổi ngành năng lượng xanh.
Thay vì tập trung thông tin trong tay một tổ chức hay doanh nghiệp nhất định, blockchain phi tập trung hóa dữ liệu, giúp thông tin không bị thay đổi hay hủy hoại bởi bất cứ bên nào. Nhờ vậy mà tính minh bạch và sự an toàn khi chia sẻ thông tin được đảm bảo.
Nhiều startups đã bắt đầu ứng dụng khả năng chia sẻ thông tin trong thời gian thực của blockchain vào lưới năng lượng, giúp chúng trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn. Ý tưởng chính khá đơn giản: người tiêu dùng có toàn quyền quyết định xuất xứ nguồn năng lượng họ đang sử dụng. Họ cũng được tiếp cận với thông tin liên quan tới việc sản xuất năng lượng.
Như vậy người dùng có thể so sánh các nhà cung cấp điện với nhau và trực tiếp mua điện từ nhà cung cấp mình chọn. Việc này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho thị trường, đồng thời khuyến khích sự phát triển của các loại năng lượng bền vững.
Estonia hiện đang sử dụng một mạng lưới năng lượng thông minh ứng dụng blockchain có tên gọi WePower để đánh giá tính hiệu quả của một thị trường năng lượng trao quyền cho người tiêu dùng. Mạng lưới này bao gồm những nhà cung cấp năng lượng độc lập sẵn lòng chia sẻ thông tin về lượng năng lượng được tạo ra và giá thành của chúng cho khách hàng trong thời gian thực. Điều này thực hiện được nhờ mạng lưới điện đã được điện tử hóa hoàn toàn của Estonia.
CEO của WePower Nick Martyniuk chia sẻ: "Blockchain mang tới sự tín nhiệm cho những thông tin được chia sẻ cho khách hàng. Điều này tạo nên tính thanh khoản và niềm tin giữa người mua và nhà sản xuất."
"Dù giá thành của năng lượng xanh đã giảm đáng kể nhưng những công ty vừa và nhỏ vẫn đang loay hoay tìm nguồn mua," Martyniuk chỉ ra khó khăn ngành năng lượng đang phải đối mặt. Một khi mạng lưới năng lượng thông minh thực sự đi vào hoạt động và trở nên phổ biến, nó có thể mở ra một thị trường hoàn toàn mới cho năng lượng xanh.
Nhà cố vấn sáng tạo doanh nghiệp Yvo Hunink tin rằng năng lượng xanh sẽ sớm trở thành sự lựa chọn của số đông. Dựa trên những dự án tại Ấn Độ, ông mô tả về một ví dụ về mạng lưới năng lượng ứng dụng blockchain: Một nhà máy điện sinh khối (tạo ra điện bằng vật liệu cây trồng) của một người nông dân tại miền quê Ấn Độ có thể trở thành nguồn cung điện nếu nguồn điện trung tâm bị hỏng. Giá điện sẽ thay đổi phụ thuộc vào lượng năng lượng còn lại trong hệ thống.
Nếu mất điện vào ban ngày, người dùng thường hay sử dụng các tấm năng lượng mặt trời để có điện cho sản xuất và sinh hoạt, khi ấy giá điện sinh khối sẽ ở mức trung bình. Nhưng nếu mất điện xảy ra vào ban đêm, chủ nhà máy điện sinh khối có thể bán điện với giá cao hơn. Khi ấy một hợp đồng blockchain thông minh sẽ tự động được tạo ra, với giá trị hợp đồng phụ thuộc vào nguồn cung và cầu trong thời gian thực.
Nhờ đặc tính phi tập trung hóa của blockchain, người tiêu dùng sẽ dễ tiếp cận thông tin và đưa ra các quyết định đúng đắn hơn. Mạng lưới điện thông minh ứng dụng blockchain sẽ san phẳng bất bình đẳng thông tin, mang lại nguồn năng lượng xanh và kinh tế hơn cho những vùng đã hoặc thậm chí chưa có mạng lưới điện phát triển. Blockchain sẽ trở thành một giải pháp giúp giảm thải không khí và giúp thế giới phát triển bền vững.
Tuy vậy để thành công, các lưới điện thông minh đòi hỏi mọi người phải chia sẻ thông tin. Đây là điều rất nhiều công ty và cá nhân e ngại thực hiện. Như vậy để blockchain có thể thực sự trở thành một công cụ hữu ích trên toàn cầu, tất cả mọi người đều cần phải chung tay góp nguồn lực. Cho tới khi đó, các startup vẫn đang là những doanh nghiệp tiên phong mang công nghệ tới giúp các cộng đồng nhỏ lẻ và thúc đẩy sự phát triển của những quốc gia đi đầu trong phong trào năng lượng xanh.