Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo.
Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (PVN), Chủ đầu tư các dự án điện khí LNG và các đơn vị liên quan.
Quyết liệt để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao
Tại hội nghị, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã báo cáo về tình hình triển khai các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch Điện VIII như: Dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; Dự án Hiệp Phước; Dự án Hải Lăng 1; LNG Thái Bình; các dự án BOT như Sơn Mỹ 1 và 2; Chuỗi lô B; Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên…
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện tiến độ một số dự án lớn đang bị chậm trễ, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, thay đổi quy định pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ tại địa phương. Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện pháp lý và hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch.
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đạt mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, năm nay, GDP tăng trưởng 7,09%, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản lượng điện cần tăng từ 11-12%, có tháng cao điểm lên đến 13-15%. Một số địa phương công nghiệp trọng điểm còn tăng trưởng 17-18%. Mặc dù nhu cầu lớn nhưng vừa qua toàn ngành đã đáp ứng tốt các yêu cầu, được Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, hướng tới mức hai con số. Để đạt được điều này, hạ tầng năng lượng cần được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo nguồn cung cấp điện tăng từ 10.000-12.000 MW mỗi năm.
Tại hội nghị, các ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp đều thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện là một trong những yếu tố nền tảng đảm bảo cho kinh tế của Việt Nam tăng tốc, bứt phá trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Khẩn trương triển khai các dự án theo Quy hoạch điện VIII
Quang cảnh cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, nhằm chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, đối với các dự án nguồn điện, dự án Nhơn Trạch 3,4 đã xác định phải đưa vào vận hành quý 1/2025, đề nghị chủ đầu tư quyết liệt hoàn tất các thủ tục cần thiết phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý I, muộn nhất quý II/2025, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng.
Thứ hai, đối với các dự án điện khí đã có chủ đầu tư bao gồm: Hiệp Phước giai đoạn 1, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn 1, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An, Ô Môn 1,2,3,4 đề nghị các chủ đầu tư phải rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030.
Thứ ba, đối với các dự án chưa có chủ đầu tư bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải lựa chọn được nhà đầu tư chậm nhất quý I/2025.
Thứ tư, đối với PVN, cần căn cứ quy định pháp luật khẩn trương ký hợp đồng mua bán khí với chủ đầu tư dự án trong chuỗi khí Lô B và phấn đấu hoàn thành các dự án điện khí Ô Môn 3,4 với vai trò là chủ đầu tư.
Đối với EVN, cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án nguồn điện đang triển khai sớm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên.
Bộ trưởng đề nghị: “Dự án nào cũng phải sớm so với kế hoạch, đặc biệt dự án Quảng Trạch 1 trong năm 2027, Hòa Bình mở rộng trong 2025, Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bắc Ái được khởi động trong quý I/2025.
Bộ trưởng cũng đề nghị EVN, PVN, TKV rà soát chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của tập đoàn để làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm hiệu quả vận hành có thể huy động tối đa công suất phát điện trong tháng cao điểm mùa khô 2025 theo kế hoạch cung ứng điện, điều độ cung cấp than, khí được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 11/2024 và kế hoạch điều chỉnh vào tháng 12/2024.
Về các dự án truyền tải, Bộ trưởng đề nghị EVN nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án truyền tải theo Quy hoạch điện VIII, tăng cường liên kết giữa các khu vực, tăng khả năng vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia, sớm hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất của các nhà máy như: Nhơn Trạch 3,4. Khẩn trương triển khai thi công đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên để đưa vào vận hành trong năm 2025. Rà soát tất cả các dự án nằm trong quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án điện khí. Các dự án đảm bảo tiến độ thì chúng ta phải bảo đảm đầu tư hệ thống truyền tải giải tỏa công suất theo tiến độ…
Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà đầu tư quan tâm đầu tư về hệ thống truyền tải. Theo Bộ trưởng, nguồn điện có biểu giá phù hợp rồi, truyền tải cũng có biểu giá đủ để chúng ta cân đối, do vậy đề nghị nhà đầu tư tính toán theo phương án này để triển khai cho đồng bộ.
Bộ trưởng giao EVN, Cục Điều tiết điện lực khẩn trương hoàn tất các thủ tục để Bộ xem xét ban hành khung giá đối với điện gió ngoài khơi cũng như khung giá của các công đoạn quy trình cần thiết giúp cho nhà đầu tư có điều kiện cần thiết phê duyệt các dự án đầu tư cũng như triển khai các dự án để đảm bảo yên tâm trong quá trình thực hiện.
Cũng theo Bộ trưởng, đến ngày 28/2/2025 sẽ có quy hoạch điện VIII điều chỉnh và ngay sau đó Bộ Công Thương phải xây dựng và công bố kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, điều này mang lại dư địa rất lớn cho các nhà đầu tư; Bộ cũng sẽ chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng với các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp đỡ các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục tiến hành khảo sát trên biển, cả khảo sát về gió và đáy biển theo quy định.