Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đảm bảo vận hành theo đúng quy trình
Báo cáo giải trình tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hoàng Quốc Vượng cho biết: Hiện nay trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước đã góp phần quan trọng vào việc: Cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra; Cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực; trật tự, an toàn xã hội... khu vực hạ du hồ chứa.
Có tổng công suất lắp đặt của các nhà máy trong hệ thống điện quốc gia 20.568 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội khác như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ. Đặc biệt là một số nhà máy thủy điện lớn như Sơn La (2400 MW), Hòa Bình (1920 MW), Lai Châu (1200 MW), Ialy (720MW), Trị An (400 MW), Tuyên Quang (342 MW) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Trong thời gian qua, việc vận hành công trình thủy điện theo Quy trình vận hành (QTVH) liên hồ và đơn hồ nhìn chung đã được các chủ đập thủy điện tuân thủ về nguyên tắc xả lũ, thao tác, phương thức vận hành các cửa van đập tràn, công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và chế độ thông tin, báo cáo cho địa phương. Đặc biệt, một số đơn vị mặc dù mới quản lý vận hành công trình nhưng đã có nỗ lực trong việc thực hiện, tuân thủ quy trình. Các chủ đập đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, trước khi xả lũ đều thực hiện theo đúng quy định và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để dự báo thủy văn cho công trình.
Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ dọc sông tại các vị trí cần thiết, chủ động đề xuất để tham gia vào Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương và mời đại diện của địa phương tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của nhà máy (như các hồ A Vương, Sông Tranh 2 trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; các hồ Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srêpôk 3 trên lưu vực sông Srêpôk….).
Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong các Quy trình vận hành và thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện như công tác tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho nhân dân ở những khu vực bị ảnh hưởng phía hạ lưu về những quy định xả lũ để hiểu và chủ động phòng tránh thiệt hại chưa được chú trọng đúng mức ở nhiều công trình thủy điện. Một số nhà máy thủy điện nhỏ chưa tuân thủ đúng các quy định vận hành (xả lưu lượng tối thiểu cho hạ du. Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương chỉ đạo các nhà máy này thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo đúng quy định.
Nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Các nhà máy thủy điện đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng trưởng rất nhanh và việc phát triển các nguồn điện mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong công tác vận hành các nhà máy thủy điện còn gặp một số khó khăn như vào mùa kiệt, trong một số trường hợp, yêu cầu về điều tiết nước các hồ chứa trong mùa kiệt còn chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT với Bộ TN&MT. Do đó, việc lập kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải điện vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước còn có nhiều khó khăn.
Vào mùa lũ, việc quy định thời gian tích nước cuối mùa lũ khá ngắn và việc vận hành tích nước phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các bản tin dự báo thời tiết làm cho việc tích nước các hồ chứa thủy điện gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong những năm ít lũ, lưu lượng nước về kém thì các hồ không tích được đến mực nước dâng bình thường để đảm bảo cho công tác phát điện và trữ nước phục vụ nhu cầu cấp nước cho năm tiếp theo.
Trước khó khăn trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét, bổ sung nội dung về quản lý đập, hồ chứa thuỷ điện vào Luật Điện lực để thống nhất trong quản lý ngành Công Thương.
Đề nghị Bộ NN&PTNT với Bộ TN&MT làm rõ, thống nhất, xây dựng cơ chế phối hợp điều tiết nước các hồ chứa thủy điện trong mùa kiệt, rà soát các quy định về điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để cấp nước cho hạ du trong thời kỳ mùa kiệt trong đó có xét đến sự phối hợp cấp nước của các hệ thống thủy lợi nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng nước trong mùa kiệt.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt thời gian tích nước của các thủy điện trong quy trình liên hồ, tăng cường độ chính xác của công tác dự báo thủy văn, nghiên cứu hiệu chỉnh các quy định linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa vừa đảm bảo khả năng tích nước phục vụ sản xuất điện và nhu cầu nước hạ du. Xây dựng quy định/hướng dẫn cách xác định vùng hạ du đập để các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện và các cơ quan có liên quan làm cơ sở triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện có liên quan đến vùng hạ du.
Rà soát, xác định rõ trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du từng đập thủy điện. Xây dựng quy định/hướng dẫn cách xác định hành lang thoát lũ và quản lý hành lang thoát lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi vận hành xả lũ.