Vận hành các hồ thủy điện

Các hồ thủy điện xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa

Thứ năm, 12/10/2017 | 14:38 GMT+7
Các hồ thủy điện xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt.
Ông Đỗ Đức Quân.
 
Tuy vậy, thời gian qua, dư luận cho rằng các nhà máy thủy điện là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt vùng hạ du. Phóng viên trang tin điện tử ngành điện (Icon.com.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) xoay quanh vấn đề này.
 
PV: Thưa ông, trong đợt mưa lũ vừa qua, một loạt hồ thủy điện phía Bắc điều tiết xả lũ. Xin ông cho biết, việc xả lũ hồ chứa thủy điện thực hiện theo quy trình, quy tắc nào?
 
Ông Đỗ Đức Quân: Việc xả lũ  tất cả các hồ chứa thủy điện thực hiện theo Quy trình đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền (UBND tỉnh, Bộ Công Thương) và Quy trình vận hành (QTVH) liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã được Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015 bao gồm các hồ chứa (Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình).
 
Các hồ chứa trên vận hành theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa theo nguyên tắc: Trong quá trình vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên đến hồ. Đối với các hồ chứa Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình trong QTVH liên hồ chứa sẽ do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo vận hành.
 
PV: Như vậy, việc xả lũ các nhà máy thủy điện là điều bắt buộc phải làm khi lũ về lớn phải không thưa ông?
 
Ông Đỗ Đức Quân: Đúng vậy! Việc xả điều tiết lũ các nhà máy thủy điện là điều bắt buộc phải làm, nếu không vận hành điều tiết nước khi có lũ sẽ gây mất an toàn cho công trình và hạ du. Tùy theo thiết kế công trình và nhiệm vụ của hồ chứa mà việc vận hành điều tiết xả lũ phải tuân thủ mực nước giới hạn an toàn của công trình. Việc điều tiết xả lũ có thể ngay khi lũ về không thể để lũ lớn về mới xả sẽ ảnh hưởng an toàn đến công trình và hạ du.
 
PV: Xin ông cho biết có phải tất cả các nhà máy thủy điện đều có tác dụng trong việc cắt/giảm/ làm chậm lũ không?
 
Ông Đỗ Đức Quân: Ngay từ giai đoạn nghiên cứu qui hoạch, đầu tư xây dựng, Chính phủ, các bộ ngành, chủ đầu tư đã xem xét và quy định nhiệm vụ là chống lũ (cắt lũ) cho hạ du đối với các hồ chứa có thể xây dựng được hồ chứa theo nhiệm vụ này. Các hồ chứa đã bố trí dung tích phòng lũ (Wpl) thường xuyên trên các sông và dự án thủy điện như sau: sông Đà 7 tỷ m3 (bố trí tại công trình thủy điện Sơn La và Hòa Bình), Tuyên Quang 1 tỷ m3, Thác Bà 450 triệu m3, Hủa Na 100 triệu m3, Trung Sơn 112 triệu m3, Quảng Trị 30 triệu m3, Bình Điền 70 triệu m3…
 
Còn lại các hồ chứa trên các lưu vực sông khác do điều kiện về kỹ thuật, kinh tế và xã hội nên không thể xây dựng được hồ chứa lớn để phòng, cắt lũ cho hạ du trong đó có các hồ chứa do EVN quản lý. 
 
Tuy nhiên, trong QTVH liên hồ chứa đã quy định một số hồ căn cứ vào mực nước ở hạ lưu để phối hợp vận hành giảm lũ, chậm lũ cho hạ du. Việc vận hành giảm lũ, chậm lũ cho hạ du đối với các hồ chứa này là không nhiều khi ở khu vực có địa hình dốc và lưu lượng lũ trên lưu vực là lớn, thời gian tập trung nhanh, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
 

Thủy điện không phải là tác nhân gây ra lũ lụt cho hạ du.
 
PV: Vậy tại sao mùa mưa bão những năm trước, một số nhà máy thủy điện, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên dư luận cho rằng đã gây ra lũ chồng lũ thưa ông?
 
Ông Đỗ Đức Quân: Khái niệm lũ chồng lũ hiện nay có thể hiểu như một vùng nào đấy đang có lũ mà lũ tiếp tục về. Như trên đã nói, với nguyên tắc vận hành các hồ chứa thủy điện trong QTVH phê duyệt đã quy định là trong quá trình vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên vào hồ. Dư luận cho rằng việc vận hành các hồ thủy điện gây ra lũ chồng lũ cho hạ du ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong các năm trước là chưa chính xác. 
 
Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, do các sông có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên thời gian xuất hiện đỉnh lũ nhanh, cửa sông lại thường bị bồi lấp, việc xây dựng công trình hạ tẩng (đường, cầu cống) có thể làm cản trở, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ ở hạ du khi các hồ chứa điều tiết xả lũ.
 
PV: Thưa ông, sau mỗi lần thủy điện xả lũ, vùng hạ du bị ngập úng, dư luận cho rằng nguyên nhân do thủy điện, trong khi thủy điện lại khẳng định thực hiện xả lũ đúng quy trình?
 
Ông Đỗ Đức Quân: QTVH hồ chứa thủy điện được xây dựng và ban hành căn cứ Quyết định số 285/2006/QĐ-TTg ngày 25/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Các thông số đầu vào để xây dựng quy trình là kết quả nghiên cứu tổng thể về kinh tế - kỹ thuật, môi trường - xã hội, phụ thuộc vào đặc điểm thủy văn của lưu vực, khả năng bố trí công trình, đặc điểm hạ du... Quan điểm chủ đạo khi xây dựng QTVH là đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, có tính linh hoạt cho người điều hành trực tiếp. Nguyên tắc cơ bản để thiết kế và vận hành công trình thủy điện là không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ về hạ du so với lũ tự nhiên đến hồ.
 
Như vậy, dư luận cho rằng nguyên nhân vùng hạ du bị ngập úng do thủy điện xả lũ là phản ảnh không đúng thực tế. Khi có lũ, ở vùng hạ du đều có thể xảy ra ngập úng ngay cả khi phía thượng lưu không có hồ chứa thủy điện, như khu vực huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên ngập khi mưa lớn, ngay cả trước khi xây dựng thủy điện Hố Hô hoặc huy động toàn bộ dung tích hồ này để cắt lũ. Trường hợp khi thượng lưu có hồ chứa thủy điện thì vùng hạ du không bị ngập sâu hơn nếu các hồ thực hiện đúng quy trình.
 
Trong những năm gần đây, có thể nhận thấy rõ cùng với sự thay đổi thảm phủ cộng với tác động của biến đỏi khí hậu, lũ lụt và hạn hán ngày càng có xu hướng thường xuyên và khốc liệt hơn, lũ tại các lưu vực sông có xu thế nguy hiểm hơn, thời gian tập trung lũ ngắn hơn, cường độ lũ nguy hiểm hơn.
 
Thiệt hại sản xuất ngập lụt ở hạ du khi có lũ (các công trình thủy điện phải điều tiết) còn có nguyên nhân như: người dân vào canh tác ở khu vực hạ lưu hồ chứa ngay sau đập tràn do chủ quan khi nhiều năm công trình không phải xả lũ, vi phạm hành lang thoát lũ, gây mất an toàn cho chính bản thân và ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình; việc xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông đường bộ, đường sắt hoặc bồi lắng cửa sông cũng làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ, đặc biệt là các vùng trung và hạ du các sông lớn khu vực miền Trung; việc khai thác cát, sỏi trên sông có ảnh hưởng không ít đến dòng chảy sông khi có lũ về, gây sạt lở bờ sông;...
 
Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan kiên quyết chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành hồ chứa theo đúng quy định; tiếp tục xem xét điều chỉnh Quy trình đơn hồ, phối hợp góp ý đề xuất hiệu chỉnh một số nội dung của Quy trình liên hồ.
 
PV: Xin ông cho biết, chức năng phòng chống lũ của các thủy điện có giống nhau không? Tại sao hồ thủy điện tại miền Bắc triệt lũ hoàn toàn, trong khi các hồ thủy điện miền Trung, Tây nguyên không làm được điều đó, thưa ông?
 
Ông Đỗ Đức Quân: Quy định chức năng phòng chống lũ của các thủy điện căn cứ vào điều kiện về kỹ thuật, kinh tế và xã hội của từng lưu vực sông, từng vùng và theo Quy hoạch thủy lợi khu vực do được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, chức năng phòng chống lũ của các thủy điện là không giống nhau.
 
Đối với các hồ chứa chứa thủy điện như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà trên lưu vực sông Hồng là những hồ chứa lớn, ngay từ giai đoạn nghiên cứu qui hoạch, đầu tư xây dựng đã quy định nhiệm vụ là chống lũ cho hạ du, đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 300 năm, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,1m; Đảm bảo an toàn cho thủ đô Hà Nội với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,4 m. Như vậy, mục tiêu chống lũ chỉ đảm bảo tần suất lũ nêu trên không thể triệt lũ hoàn toàn.
 
Đối với các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông còn lại do điều kiện về kỹ thuật, kinh tế và xã hội nên khó có thể xây dựng được hồ chứa lớn để phòng, cắt lũ cho hạ du, nhất là các hồ chứa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng thủy điện ở khu vực này cho thấy, việc xây dựng các hồ chứa lớn để chống lũ sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn đến môi trường - xã hội, hiệu quả thấp. Vì vậy, việc bố trí kết hợp phòng, chống lũ lớn cho hạ du tại các công trình thủy điện ở khu vực này không khả thi. 
 
PV: Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về các công trình thủy điện, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ làm gì để các công trình vận hành an toàn, hiệu quả, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình?
 
Ông Đỗ Đức Quân: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện thành công Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương tại Quyết định số 396/QĐ-BCT ngày 10 tháng 02 năm 2016 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 trong lĩnh vực thủy điện. 
 
Tăng cường kiêm tra, kiên quyết chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành hồ chứa theo đúng quy định; tiếp tục xem xét điều chỉnh Quy trình đơn hồ, phối hợp góp ý đề xuất hiệu chỉnh một số nội dung của Quy trình liên hồ. Xem xét và có cơ chế thông qua gia điện đối với các hồ chứa bị giảm điện lượng so với nhiệm vụ thiết kế do thực hiện theo quy trình liên hồ chứa.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Xuân Tiến/Icon.com.vn