Tin thế giới

Các nhà máy điện than tại Úc có thể bị đóng cửa sớm hơn kế hoạch

Thứ hai, 7/9/2020 | 10:15 GMT+7
Sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo tại Australia khiến công suất hoạt động của nhiều nhà máy điện than ở nước này giảm mạnh và chúng có thể bị đóng cửa sớm hơn so với kế hoạch.
 

Một nhà máy điện than nâu nằm ở ngoại ô thành phố Traralgon, phía Đông Nam Victoria, Úc.
 
Theo kết quả của một khảo sát và phân tích gần đây về tình hình sản xuất điện năng tại Australia, các nhà máy điện than ở bang New South Wales (tiểu bang nằm ở phía Đông Nam, đông dân nhất nước Úc) đang hoạt động với thời gian chỉ bằng khoảng 60% thiết kế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự phát triển nhanh chóng của các nguồn sản xuất năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Điều này khiến một số nhà máy điện than sụt giảm rõ ràng về hiệu quả kinh tế và có thể phải đóng cửa sớm hơn so với kế hoạch trước đó.
 
Báo cáo phân tích của ông Hugh Saddler, Phó Giáo sư danh dự tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia đồng thời là một chuyên gia tư vấn năng lượng, còn cho thấy điều này đang diễn ra không chỉ ở bang New South Wales. Theo báo cáo, việc sản xuất điện than ở bang Queensland (nằm ở phía Đông Bắc, có diện tích lớn thứ 2 tại Úc) đã giảm xuống dưới 70% công suất trong bối cảnh xuất hiện nhiều nguồn năng lượng tái tạo rẻ hơn, như điện mặt trời, điện gió.

Ông Sadder dự báo, tiếp diễn xu hướng này, các nhà máy điện than ở bang New South Wales sẽ tiếp tục bị suy giảm công suất hoạt động, có thể chỉ đạt 50% công suất vào năm 2022, trong khi các nhà máy ở Queensland có thể chỉ đạt 60% công suất vào năm 2025. Cùng với việc ngày càng gia tăng sự cố ở các nhà máy điện than đã hàng chục năm tuổi, sự sụt giảm doanh thu dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp là nguyên nhân thúc đẩy khả năng đóng cửa nhà máy đến sớm hơn. Từ tình hình trên, ông Saddler cho rằng, Australia cần lập kế hoạch tốt hơn cho lưới điện trong tương lai, trong đó bao gồm cả việc đầu tư đúng thời điểm vào sản xuất và lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo mới. Điều này sẽ góp phần ngăn ngừa sự gia tăng giá điện trong tình huống các nhà máy điện than ở nước này gặp sự cố.
 
Mới đây, Cơ quan điều hành Thị trường Năng lượng Australia xác nhận hai nguồn năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã trở thành hình thức phát điện mới có chi phí thấp nhất. Cơ quan này cũng khẳng định rằng lưới điện quốc gia Australia có đủ năng lực kỹ thuật để hoạt động với tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 75% tại một số thời điểm vào năm 2025.
 
Trang trại năng lượng mặt trời Williamsdale gần Canberra, Úc.
 
Tại đất nước của những chú chuột túi, việc chuyển dịch năng lượng từ năng lượng than đá sang năng lượng tái tạo diễn ra nhanh hơn ở các bang phía Nam so với bang New South Wales và Queensland. Tỷ lệ năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở bang Victoria và Nam Australia trong vòng 4 năm qua đã tăng lên gấp 2 lần – đạt 29%, ngược lại tỷ lệ năng lượng than đá giảm từ 72% xuống 53%. Trong khi đó, tại bang New South Wales và Queensland, tỷ lệ năng lượng từ gió và mặt trời chỉ mới đạt 14,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới khi chính quyền hai bang đã đưa ra nhiều động thái hứa hẹn sẽ phát triển các khu năng lượng tái tạo mới.
 
Hiện năng lượng tái tạo đang chiếm tỷ lệ khoảng 25% trong tổng nguồn cung năng lượng trên toàn Australia. Bên cạnh năng lượng tái tạo, dòng vốn đầu tư tại Úc đang được đổ mạnh vào phát triển các công nghệ năng lượng mới giảm phát thải, như: hydrogen, thu hồi – lưu trữ carbon, lithium, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)… Điều này càng tăng thêm áp lực cho các nhà máy điện than. Trong khi chính phủ liên bang yêu cầu các chủ nhà máy điện phải thông báo trước 3 năm về thời điểm đóng cửa nhà máy, các nhà phân tích tin rằng việc nhiều nhà máy nhiệt điện than phải ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến là hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Theo: Năng lượng News