Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cụ thể, trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia (NPT), Bộ Công thương cho biết, về cơ bản, các ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ xây dựng, EVN là thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết. Liên quan đến đề xuất cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Công Thương cho rằng, để có thể thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện theo phương thức xã hội hoá trong điều kiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa được ban hành, Thủ tướng cần xem xét, kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích, làm rõ quy định tại Luật Điện lực về độc quyền Nhà nước trong hoạt động truyền tải điện, theo hướng Nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải. Trường hợp Luật PPP ban hành và có hiệu lực, trong đó cho phép đầu tư tư nhân tham gia đầu tư (xã hội hóa) lưới điện truyền tải thì việc đầu tư tư nhân có thể áp dụng luật này.
Theo Bộ Công thương, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết phải thực hiện theo trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong khi nhiệm vụ này chưa được xem xét trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Vì vậy, để thực hiện các thủ tục xây dựng, trình ban hành Nghị quyết theo quy định có thể mất nhiều thời gian, trong khi tiến độ dự kiến Luật PPP trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 hoặc tháng 6-2020).
Trên thực tế, về phạm vi đầu tư tư nhân hệ thống điện truyền tải, hiện nay Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã quy định về phạm vi đầu tư (trạm biến áp, đường dây) để đấu nối nhà máy điện với hệ thống điện, hoặc để sử dụng hệ thống điện từ hệ thống. Vì vậy, các trường hợp đầu tư công trình lưới điện truyền tải nhằm phục vụ đấu nối nhà máy điện/ cụm nhà máy điện của một chủ đầu tư, hoặc nhiều chủ đầu tư có thể áp dụng quy định về thoả thuận đấu nối để xác định phạm vi, thoả thuận đầu tư giữa các bên liên quan. Việc xác định hiệu quả đầu tư của dự án điện được đánh giá tổng thể cả về phương án đầu tư lưới điện đấu nối.
Đối với phạm vi đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải khác, Bộ Công thương cho rằng chưa có quy định tại các quy định pháp luật điện lực hiện hành. Đặc biệt, đối với hệ thống truyền tải điện có tính chất xương sống, huyết mạch (như Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia nêu) thì cần cân nhắc kỹ việc có cho phép đầu tư tư nhân hay không nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.
Cũng theo Bộ Công thương, việc ban hành Nghị quyết giải thích độc quyền nhà nước về hoạt động truyền tải trong Luật Điện lực sẽ tránh mâu thuẫn giữa Luật Điện lực và Luật PPP về việc đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, việc giải thích độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải có thể dẫn đến các hiểu không thống nhất về cụm từ này trong Luật Điện lực, đặc biệt là quy định về cấp phép hoạt động truyền tải và quy định về quyền và nghĩaa vụ của đơn vị truyền tải điện. Do vậy, nếu chỉ ban hành Nghị quyết về giải thích độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải tại Luật Điện lực thì cũng chưa giải quyết tổng thể các vấn đề cần nghiên cứu toàn diện để sửa đổi Luật Điện lực cho phù hợp, tránh mâu thuẫn nội tại trong Luật Điện lực.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc rà soát, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) các quy định liên quan đến hoạt động truyền tải trong Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn dưới Luật cần được thực hiện cùng với nhiệm vụ ra soát, hoàn thiện Luật Điện lực được nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hoá đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của Luật này.
Đối với trường hợp đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nhà máy điện/cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia thì thực hiện trên cơ sở thoả thuận đấu nối theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp vướng mắc thoả thuận đấu nối, nahà đầu tư hoặc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đề xuất Bộ Công thương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng.
Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ này thực hiện việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW mà không thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết giải thích Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải.