Đồ dùng sử dụng dây đốt
Nguyên lý hoạt động chung của nhóm thiết bị này đều sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp cho nên nguy cơ rò rỉ điện rất cao nếu nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng hoặc lắp ráp không đúng kỹ thuật. Dây dẫn điện không đạt chuẩn dẫn đến tình trạng quá tải gây nóng, chảy, chạm mạch. Đối với dây đốt sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, lắp ráp không đúng kỹ thuật sẽ chạm vào thành bao, hoặc mâm nhiệt gây chập điện. Ngoài ra, do sử dụng trong môi trường nhiệt cao, các linh kiện dễ bị lão hoá, gỉ sét cũng dẫn đến chập điện.
Các loại bếp điện, lẩu điện, lò nướng, lò vi ba đều được làm bằng kim loại cho nên điện bị rò rỉ sẽ tác động nhanh chóng đến người sử dụng. Ngoài ra hiện nay trên thị trường có bán khá nhiều loại bình nấu nước siêu nhanh, chỉ mất khoảng ba phút nước sẽ sôi. Do loại bình này có công suất lớn đến 2.000W nên nếu ổ cắm, dây dẫn không bảo đảm chất lượng rất dễ gây chập điện.
Phải biết xài lò vi ba
Lò microwave hay còn gọi là lò vi ba hoặc vi sóng, hiện được nhiều người tiêu dùng chọn mua vì tính tiện ích cao. Theo các nhà chuyên môn, trên thị trường hiện có rất nhiều loại lò vi sóng dạng dùng trong gia đình (thể tích khoảng từ 17 - 45 lít) với hàng chục nhãn hiệu khác nhau. Phần lớn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... giá bán từ khoảng 1 triệu đến trên 4 triệu đồng/cái. Mục đích chính của lò vi sóng là dùng để nấu và hâm nóng thức ăn. Trong quá trình nấu phải có nước hoặc dầu ăn mới làm chín được hoàn toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người lại sử dụng lò vào nhiều mục đích khác, kể cả nướng thực phẩm, cho nên hiệu quả không như mong muốn, chưa kể có thể làm hư hỏng lò.
Gần đây một số nhà sản xuất đã thiết kế thêm chức năng nướng cho lò vi sóng bằng cách gắn thêm "cọng" gia nhiệt và quạt đối lưu. Quạt này sẽ thổi hơi nóng từ "cọng" gia nhiệt vào thực phẩm giúp thực phẩm có thể chín vàng... Khi cần mua nên hỏi người bán là lò có chức năng nướng hay không để tránh mua nhầm loại lò vi sóng chỉ có chức năng nấu và hâm. Tuy nhiên, do chỉ là chức năng phụ, nướng gián tiếp (thức ăn không được nướng trực tiếp) cho nên thời gian nướng bị kéo dài dễ làm cho cọng gia nhiệt quá tải dẫn đến bị đứt.
Theo kỹ sư Tống Kim Ty, lưu ý nguyên lý hoạt động của lò vi sóng khá đơn giản, bộ phận quan trọng nhất là đèn magnetro, phần còn lại chỉ là vỏ lò. Khi hoạt động đèn này sẽ phóng sóng đến thực phẩm, khi sóng tiếp xúc với các phân tử nước hoặc dầu (có trong phẩm) sẽ làm cho các phân tử này dao động và sinh ra nhiệt làm chín thực phẩm. Đèn này chiếm đến 60 - 70% giá trị lò, cho nên khi sử dụng phải hết sức cẩn trọng vì khi đèn hư hỏng sẽ không thể sửa chữa được mà phải thay mới (đèn dễ bị hư hỏng, nhất là khi điện áp không ổn định sẽ làm đứt tăng phô đèn hoặc có kim loại hiện diện trong lò khi lò hoạt động sẽ tạo ra hồ quang dẫn đến cháy nổ rất nguy hiểm).
Kỹ sư Kim Ty cho biết, nguyên lý hoạt động của lò vi ba là sử dụng sóng vi ba để làm chín thức ăn cho nên những vật dụng bằng kim loại không được phép đưa vào lò vì sóng vi ba sẽ kích hoạt các hạt điện tử trong kim loại gây nên hiện tượng nẹt điện gây nổ. Vật dùng bằng sứ có tráng kim loại cũng không được sử dụng. Ngay cả vật dụng bằng pha lê cũng không được dùng vì loại này có chứa chì... Thức ăn bịt kín như sữa, cá bọc trong giấy, trứng gà, vịt khi đưa vào lò sẽ dễ dẫn đến nổ vỡ tung toé thức ăn bên trong lò...
Nhà sản xuất lò vi ba cũng thường khuyến cáo người sử dụng không được đưa vật dụng bằng kim loại, kể cả dây buộc thức ăn bằng kim loại vào lò. Lò vi ba chỉ cho phép sử dụng các vật dụng như sành sứ, gốm, thuỷ tinh, hoặc giấy chuyên dùng. Không nên dùng giấy tái chế vì lượng kim loại vụn hiện diện nhiều trong những loại giấy này, khi đưa vào lò những hạt kim loại này sẽ vỡ ra gây nẹt lửa dẫn đến cháy nổ...
Một số trục trặc khác thường gặp đối với lò vi ba là: mâm đĩa trong lò không xoay hoặc xoay không đều dẫn đến thức ăn chín không đều. Trường hợp đĩa vẫn xoay nhưng thức ăn vẫn không chín mà chỉ "âm ấm" là do bộ điều khiển cường độ bị trục trặc, hoặc do bộ phận tạo sóng có vấn đề. Thực phẩm dạng khô cũng không thể nấu chín trong lò viba, muốn nấu chín phải làm cho thức ăn có độ ẩm đều hoặc có nước.
Chú ý khi dùng bếp điện từ
Do giá gas gần đây tăng cao nên một số gia đình đã chọn giải pháp sử dụng các loại chất đốt khác thay thế. Một trong những loại bếp đang được chú ý chọn mua sử dụng là bếp điện từ. Nguyên nhân là do giá của loại bếp này ngày càng rẻ. Trước đây loại bếp rời giá trên 2 triệu đồng/cái thì nay giảm xuống còn 500.000 - 600.000 đồng/cái, loại bếp âm sàn đẹp và tiện dụng giá hiện nay từ 2,5 - 7 triệu đồng/bộ. Bếp điện từ còn có lợi thế là tiết kiệm điện được từ 20 - 30% so với bếp điện thông thường, mẫu mã đẹp, sạch sẽ, nấu nhanh...
Theo các nhà chuyên môn, khi sử dụng bếp từ cần phải chú ý một số vấn đề như: tránh đặt nồi lên bếp khi chưa có thức ăn vì bếp làm nóng rất nhanh dễ dẫn đến hư hỏng nồi cũng như các thiết bị của bếp. Do bếp được thiết kế không giống như các loại bếp thông thường khác mà ngược lại trông đẹp như một vật trang trí nên trẻ em thường hay nghịch vì vậy khi sử dụng không nên để gần tầm tay trẻ em. Về nguyên lý, khi hoạt động bề mặt bếp điện từ không sinh nhiệt nhưng đáy nồi niêu lại có nhiệt độ khá cao nên nhanh chóng truyền sang bề mặt bếp làm bếp nóng lên rất nhanh vì vậy cần đề phòng bị bỏng nếu vô ý chạm vào, ngay cả khi bếp vừa sử dụng xong. Một lưu ý khác là nên đặt bếp nơi thông thoáng để tránh trường hợp bếp báo động giả (tự động ngắt nguồn điện) do môi trường xung quanh có nhiệt độ cao. Không nên đặt bếp gần các thiết bị như ti vi, đầu đĩa, máy vi tính, máy thu thanh dễ gây nhiễu sóng cho các thiết bị này...
Do bếp sử dụng cảm ứng điện từ nên chỉ sinh nhiệt khi mặt bếp tiếp xúc với vật dụng nấu bằng kim loại (cụ thể là sắt thép). Còn những vật dụng bằng nhôm, inox (loại không hít), thuỷ tinh, sành sứ đều không sử dụng được do những vật này không thể sinh ra nhiệt khi tiếp xúc với bếp điện từ. Trường hợp muốn sử dụng vật dụng này cần phải mua thêm tấm lót bằng thép (loại chuyên dùng cho bếp điện từ, có bán tại các điểm bán đồ điện gia dụng, giá từ 20.000 - 30.000 đồng/miếng) làm vật trung gian để truyền nhiệt lên nồi nấu.