Thông tin đầu tư

Cảng biển nước sâu và năng lượng tái tạo: Mũi nhọn để Đông Hải (Bạc Liêu) thu hút đầu tư đa ngành

Thứ sáu, 25/6/2021 | 09:41 GMT+7
Với vị trí chiến lược quan trọng trong hành lang kinh tế ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã ghi dấu ấn trong bản đồ đầu tư của toàn vùng với giá trị đầu tư vốn FDI lên đến 50 tỷ USD trong 25 năm.

Tập trung chủ yếu trong lĩnh vực: năng lượng tái tạo, xây dựng cảng biển nước sâu, tạo đà thúc đẩy kinh tế công nghiệp ven biển không chỉ cho ĐBSCL mà cả khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương.
 
Hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm thu hút nguồn lực phát triển
 
Là một trong hai cảng biển nước sâu có ý nghĩa quan trọng không chỉ về kinh tế - vận tải biển mà còn đảm bảo an toàn, an ninh tại Biển Đông, cảng Gành Hào (Bạc Liêu) cùng với cảng Trần Đề (Sóc Trăng) hiện là đầu tàu thu hút phát triển kinh tế của ĐBSCL. Theo quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/06/2014 và quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Chính phủ về “Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, sẽ phát triển cảng biển nước sâu hỗn hợp Gành Hào-Đông Hải với quy mô 3,5 ha, cách đất liền 17-18 km, trọng tải từ 30.000-100.000 DWT. Cảng Gành Hào khi hoàn thiện sẽ nằm trong tuyến giao thông biển huyết mạch của Việt Nam kết nối với cảng Vân Phong, cảng Vũng Tàu, cảng Sài Gòn, đồng thời là điểm trung chuyển quan trọng trong tuyến vận tải biển Thái Bình Dương.
 
Bên cạnh đó, trong tổng thể phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ tại ĐBSCL, tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến được đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2026. Tuyến cao tốc bắt đầu từ TP. Hà Tiên và điểm cuối tại Bạc Liêu, kết nối các tuyến địa bàn trọng điểm kinh tế như Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải…, chắc chắn sẽ đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng.
 
Kinh đô năng lượng tái tạo
 
Đông Hải có tiềm năng lớn cho phát triển năng lượng tái tạo – một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới - năng lượng gió và nguồn nguyên liệu điện khí LNG dồi dào lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Business Forum) lần thứ 3, ba tập đoàn Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận phát triển dự án điện từ khí hóa lỏng tại Đông Hải với giá trị sử dụng thiết bị, dịch vụ của Mỹ lên đến 3 tỷ USD. Dự án điện khí sử dụng khí hóa lỏng Delta Offshore Energy Bạc Liêu có thể tạo ra hơn 20 TWh điện hằng năm, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định với giá cả cạnh tranh. 
 
Với tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong  25 năm, dự kiến lượng nhập khẩu đạt 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm, đây là dự án sử dụng LNG sản xuất điện đầu tiên do tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư Việt Nam.
 
Bên cạnh tiềm năng về khí hóa lỏng sử dụng LNG làm năng lượng điện, Đông Hải còn thu hút hàng loạt dự án điện gió lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD đã và đang triển khai tại đây như: Đông Hải 1; Đông Hải 2… cùng nhiều dự án đang trong quá trình xin phê duyệt; khẳng định vị thế kinh đô phát triển công nghệ năng lượng tái tạo – năng lượng sạch hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng ĐBSCL.

Link gốc
 
Theo: VGP News