Dự án này có tổng giá trị đầu tư 734.275 triệu đồng, trong đó 85% tổng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương (624.134 triệu đồng) và 15% tổng mức đầu tư vốn đối ứng của ngành điện (110.141 triệu đồng). Khi triển khai, dự án này sẽ tiến hành đầu tư hơn 600 km đường dây trung thế, gần 1.510 km đường dây hạ thế, 739 trạm biến áp/27.875 kVA và phần công tơ, nhánh rẽ cấp cho 14.762 hộ dân trên địa bàn Bình Thuận.
Tuy nhiên đến cuối tháng 10/2017, dự án được triển khai thực hiện với khối lượng khá khiêm tốn: Mới đầu tư 6,55 km đường dây trung thế, gần 315 km đường dây hạ thế. Đối với trạm biến áp cũng dừng lại ở con số 29 trạm/1.087,5 kVA, do vậy số hộ dân được thụ hưởng theo dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2020” hiện chỉ là 1.410 hộ… Như vậy so tổng mức đầu tư được duyệt, thời gian qua dự án triển khai khối lượng đầu tư các danh mục mới đạt hơn 98.000 triệu đồng, tức còn cần đến gần 636.200 triệu đồng nữa để thực hiện hoàn thành.
Dù được quan tâm đầu tư hệ thống điện lưới trên địa bàn, song đến nay tại Bình Thuận vẫn còn nhiều khu vực nông thôn chưa có lưới điện phục vụ sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nên dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2020” được địa phương kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể trong việc cải thiện, nâng cao đời sống sinh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (kể cả đầu tư sản xuất thanh long trái vụ) cho người dân… Chính vì vậy mà mới đây, UBND tỉnh đã đề nghị các Bộ Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính xem xét, bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục cấp cho dự án. Qua đó tạo điều kiện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2020” theo kế hoạch đề ra.
Theo: Báo Bình Thuận