Pin năng lượng mặt trời được lắp tại một đồn điền ở Đức. (Ảnh REUTERS)
Tại Diễn đàn Năng lượng Đức-Pháp lần thứ 6, hai nền kinh tế lớn của châu Âu đã khẳng định hợp tác thúc đẩy phát triển hydro, cũng như các cam kết chuyển đổi năng lượng.
EU và Pháp đặt mục tiêu trung hòa khí hậu muộn nhất vào năm 2050, còn với Đức, mục tiêu này được ấn định vào năm 2045. Để biến tham vọng này thành hiện thực, từ nay đến năm 2030, các nước EU tập trung mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, dần loại bỏ năng lượng hóa thạch. Về lâu dài, hydro sẽ đóng góp quyết định vào việc đạt được các mục tiêu chính sách năng lượng và khí hậu ở châu Âu, nhất là trong các lĩnh vực như giao thông và công nghiệp.
Với kế hoạch đưa Đức trở thành một nền kinh tế hydro, bản cập nhật chiến lược của Chính phủ Đức năm nay đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, trong đó có tính đến những thách thức mới trên thị trường năng lượng. Bản cập nhật cung cấp hướng dẫn và biện pháp thúc đẩy sản xuất, vận chuyển, sử dụng hydro và những dẫn xuất của hydro. Tại Đức, việc sử dụng hydro để vận hành các nhà máy điện đang được xem xét.
Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng triển khai chiến lược nhập khẩu hydro riêng, với mục đích cung cấp đủ hydro và các dẫn xuất của hydro cho nền kinh tế. Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nhu cầu hydro dự kiến tăng mạnh.
Để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ bên ngoài và đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, Đức đã đầu tư mạnh mẽ cho phát triển năng lượng sạch. Năng lượng tái tạo chiếm hơn 50% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước Đức trong nửa đầu năm 2023, trong đó, điện gió là nguồn quan trọng nhất, chiếm 28,6% tổng sản lượng.
Theo Cơ quan năng lượng gió trên bờ (OWEA) của Đức, công suất điện gió mới trên đất liền trong 9 tháng từ đầu năm 2023 đã đạt 2.436 MG, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Để đạt mục tiêu đưa điện gió chiếm 80% năng lượng tái tạo vào năm 2030, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có kế hoạch lắp đặt các cơ sở sản xuất tới 10 GW năng lượng gió trên đất liền mỗi năm. Tỷ lệ các dự án mới trong lĩnh vực năng lượng gió được phê duyệt ở Đức ngày càng tăng, với tổng công suất lên 5,2 GW trong 9 tháng vừa qua, mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, nằm trong chiến lược thúc đẩy hệ sinh thái tạo giá trị kinh tế và chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, kế hoạch khí hậu của Pháp ước tính tiêu tốn 120 tỷ euro mỗi năm.
Với mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế, Chính phủ Pháp dự kiến làm việc với đại diện trong các ngành phát thải cao, như sản xuất thép, xi-măng và hóa chất để tìm cách giảm phát thải. Pháp cũng sẽ tìm kiếm các nguồn hydro tự nhiên trong lãnh thổ để sử dụng trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Pháp đang đánh giá khả năng thiết lập tối thiểu một địa điểm thu giữ carbon trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là quy trình tách carbon từ không khí và lưu giữ lại, được đánh giá là có vai trò ngày càng cần thiết trong các nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu.
Để hiện thực hóa kế hoạch khí hậu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết nước này sẽ tăng gấp 3 lần công suất máy bơm nhiệt trong 4 năm tới, với sự tin tưởng vững chắc rằng các loại máy bơm nhiệt là phương án thay thế tuyệt vời với mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải ít hơn các hệ thống sưởi ấm chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Pháp cũng dự chi 700 triệu euro để xây dựng 13 tuyến tàu điện ngoại ô, trong và chung quanh các thành phố, nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng ít phát thải, thay cho các phương tiện cá nhân.
Tháng 9 vừa qua, các nhà lập pháp châu Âu đã thông qua lần cuối các mục tiêu có tính ràng buộc pháp lý về mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo nhanh hơn trong thập niên này. Đây là một phần trọng tâm trong kế hoạch của châu lục nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Hiện châu Âu đã điều chỉnh mục tiêu nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, từ 32% lên 42,5%, vào năm 2030. Trong nỗ lực định hình tiến trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu, Đức và Pháp cho biết sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ, khẳng định vai trò đầu tàu ở lĩnh vực quan trọng này.
EU và Pháp đặt mục tiêu trung hòa khí hậu muộn nhất vào năm 2050, còn với Đức, mục tiêu này được ấn định vào năm 2045. |
Link gốc