Thông tin đầu tư

Chạy đua biến rác thải thành điện năng

Thứ hai, 22/1/2018 | 09:41 GMT+7
Hiện nay, nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp thành điện đang ngày càng nở rộ với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Vậy mảng kinh doanh này có gì hấp dẫn?
Giới thiệu công nghệ biến rác thành điện năng của công ty H-T Giang San.
 
Mới nhất, “ông lớn” Công ty Doranova, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ tái tạo năng lượng từ chất thải (W2E) đến từ Phần Lan đã hoàn thành dự án nhà máy xử lý khí bãi rác trị giá 6 triệu Euro được xây dựng tại khu vực ngoài thành TP. HCM với mục tiêu chuyển hoá 35 nghìn tấn chất thải thành năng lượng.
 
Nhà đầu tư chạy đua
 
Công ty Doranova cũng đang triển khai một dự án thu hồi khí từ bãi rác, xử lý và cung cấp khí sinh học cho nhà máy điện có công suất 1,6 MW tại Bình Dương. Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2019.
 
Ông Mikko Saalasti, đại diện Công ty Doranova, chủ dự án tái tạo năng lượng từ chất thải kỳ vọng: “Những dự án của công ty Doranova sau khi đi vào hoạt động sẽ giảm bớt lượng rác thải của thành phố, cũng như cung cấp thêm nhiều giải pháp năng lượng từ chất thải do người dân và doanh nghiệp tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM”.
 
Trước đó, tại một Hội nghị kêu gọi đầu tư đốt rác thành điện tại TP HCM mới đây đã ghi nhận hơn 40 nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng triển khai các dự án trong lĩnh vực này. Trong đó, một số doanh nghiệp tên tuổi đã và đang thực hiện các dự án xử lý rác thải với công nghệ hiện đại như Trisun Green Energy Corporation, Hitachi Zosen (Nhật Bản), Liên danh công ty Keppel - Tiến Phước (Singapore), Sudokwon SLC (Hàn Quốc), Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất năng lượng xanh, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn...
 
Để hưởng ứng chính sách
 
Nhằm khuyến khích xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất năng lượng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích như mua giá điện (FIT) ở mức 10,05 US cents/kWh cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng dự kiến sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên tới 30% vào năm 2020 và xấp xỉ 70% vào năm 2030 và phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050.
 
Việc hàng loạt các dự án chế biến rác thành điện của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thời gian gần đây cho thấy mảng kinh doanh này thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý: “Sau khi đấu thầu, nhà đầu tư nếu tự tin thì nên chạy thử, sau khi đảm bảo các thông số kỹ thuật, công suất theo công bố lúc đó mới ký hợp đồng dài hạn. Tránh trình trạng ký được cái hợp đồng xử lý rác lâu dài rồi thì cứ ôm để đó, không đổi mới công nghệ. Mặt khác, trong tiêu chí cần phải làm rõ hiệu suất xử lý từ rác thành điện”.
Theo: Diễn đàn Đầu tư