Chế tạo thiết bị sạc điện thoại bằng động đất

Thứ tư, 12/7/2017 | 08:53 GMT+7
Để bạn có thể đăng tải trạng thái Facebook "Động đất kìa, chạy mau!" trong trường hợp điện thoại hết pin trong cơn động đất.

Hệ thống sạc này cho phép những thiết bị điện nhỏ có thể chạy vĩnh viễn mà không cần thay pin.
 
Dường như người ta luôn cảm thấy pin điện thoại là bao nhiêu cũng không đủ, nên họ nghiên cứu tìm ra những loại pin có tuổi thọ và dung lượng lớn hơn, những phương thức sạc không dây tiện lợi.
 
Và dường như kỹ sư người Chile này thấy thế là chưa đủ, nên anh tạo ra một thiết bị tạo ra năng lượng thông qua những rung chuyển tạo ra bởi một cơn động đất. Nói rộng ra thì, thiết bị này có thể tạo năng lượng từ những rung chuyển tạo ra bởi gió, mưa, hay thậm chí là từ việc chúng ta di chuyển.

Người tạo ra thiết bị độc nhất vô nhị này là giáo sư Luciano Chiang, hiện đang giảng dạy tại Trường Công giáo Kỹ thuật Máy và Luyện kim. Ông thiết kế và chế tạo được một hệ thống biến những rung chuyển của vỏ Trái Đất thành năng lượng và chính từ năng lượng ấy, ông có thể sạc điện thoại cũng như sạc được những đồ điện tử nhỏ khác.

Mục đích của hệ thống sạc này là cho phép những thiết bị điện nhỏ có thể chạy vĩnh viễn mà không cần thay pin.
 

Thiết bị có thể tạo ra được khoảng từ 5 cho tới 20 watt điện.
 
Thông qua một nam châm được đặt trên một giá đỡ, những rung chuyển sẽ được biến thành năng lượng. Thiết bị có thể tạo ra được khoảng từ 5 cho tới 20 watt điện. Và do nó rất nhỏ bé và dễ lắp đặt, nó có thể được đặt ở sườn núi hay trên một phao nhỏ thả trôi giữa biển. Tại đó, nó có thể cung cấp năng lượng cho những thiết bị cảm biến đặt tại những nơi hiểm trở, khó tiếp cận để thay pin.
 
“Chúng tôi quyết định lợi dụng những rung chuyển được tạo ra bởi gió, mưa, sóng và thậm chí là dòng chảy của nước sông hay việc đi lại hàng ngày của con người, để thu về những năng lượng hữu ích”, ông Chiang nói.
 
Và còn rung chuyển gì lớn và tạo ra nhiều năng lượng hơn một cơn động đất? Tuy nhiên, ông Chiang cũng nói thêm rằng một cơn động đất kéo dài không lâu, nên lượng năng lượng thu được sẽ không thực sự có ích nhiều.
 
Hiện tại, giáo sư Luciano Chiang đang tính tới việc giảm thiểu kích thước của thiết bị sạc này cũng như tăng tính linh hoạt của nó – để người sử dụng có thể mang theo dễ dàng. Bên cạnh đó, ông cũng tính tới việc thương mại hóa nó, biến hệ thống sạc này thành một sản phẩm đại trà.
Theo: Khoa học