Ảnh minh họa.
Hưởng ứng chiến dịch này, trong suốt 15 năm qua Việt Nam kiên trì truyền thông các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện gắn với bảo vệ môi trường. Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024, Việt Nam tiếp tục lan toả thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” tới cộng đồng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng (từ cuối năm 2020) đã tác động trực tiếp lên nhiều quốc gia châu Âu khiến giá khí đốt và giá điện tăng mạnh. Ở Việt Nam, trong nhiều thời điểm, để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống, nguồn điện khai thác từ nhiệt điện than đã chiếm tới hơn 50% sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống điện. Vì vậy, “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” - thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện tiếp tục được Bộ Công Thương lựa chọn để lan toả tới cộng đồng trong Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024, nhằm cùng lúc đạt được 2 mục đích góp phần đảm bảo điện và bảo vệ môi trường.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết cụ thể về ý nghĩa của thông điệp này cũng như đóng góp của việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng đối với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
"Trong năm 2020 lĩnh vực năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng phát thải khí nhà kính. Theo kịch bản phát triển thông thường thì tỷ trọng này có thể lên đến 80% vào năm 2030. Nếu chúng ta không có những hành động quyết liệt để giảm mức phát thải khí nhà kính thì chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Trong các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng thì ngoài phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thì sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài ra thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả thì cũng có ý nghĩa rất là thực tiễn giúp cho quốc gia của chúng ta tiết kiệm được nguồn kinh phí (nguồn ngoại tệ) để nhập khẩu nguyên liệu năng lượng sơ cấp, bảo vệ môi trường và giúp cho chúng ta có một môi trường và tương lai xanh hơn".
Theo dự báo, năm 2024 và các năm tới đây, căng thẳng nguồn cung ứng điện vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là vào các tháng cao điểm mùa khô ở khu vực miền Bắc. Nhiều công trình nguồn điện, lưới điện đang được gấp rút triển khai khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã được phê duyệt. Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đơn cử về hiệu quả tiết kiệm điện mang lại.
"Theo quyết định ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ chúng ta có hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Hơn 3.000 cơ sở này có mức tiêu thụ điện cỡ hơn 80 tỷ kWh điện/năm (cỡ hơn 32% trên tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc), nếu như chúng ta thực hiện tiết kiệm tối thiểu là 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm theo quy định tại Chỉ thị 20/CT-TTg thì hàng năm riêng khối cơ sở trọng điểm này cũng đã có thể tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện. Đây là một con số rất lớn. Các cơ sở sử dụng điện trọng điểm (sử dụng điện từ 1 triệu kWh điện/năm trở lên) cả nước chúng ta có 16.850 cơ sở với tổng mức tiêu thụ điện là trên 111 tỷ kWh điện/năm, tương đương gần 50% tổng điện năng tiêu thụ của toàn quốc. Chúng ta có thể thấy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong khối các doanh nghiệp góp phần rất quan trọng để giúp giảm được áp lực cung cấp điện cho toàn hệ thống điện, đồng thời cũng là giải pháp thiết thực giúp cho chính các doanh nghiệp đó giảm được các chi phí đầu vào - là chi phí tiền điện và năng lượng - cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế.
Đánh giá cao các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng đối với bảo vệ môi trường, trong đó có chuỗi sự kiện, như: Lễ phát động toàn dân thực hiện tiết kiệm điện và hoạt động chạy hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 vào sáng ngày 16 tháng 3 năm 2024 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội; Tham gia giải chạy online trên ứng dụng tập luyện thể thao Uprace từ ngày 16/3/2024 - 31/3/2024; Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” từ ngày 16 đến ngày 31 tháng 3 năm 2024 tại địa chỉ https://tietkiemnangluong.com.vn... chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng "Để đạt được Net Zero vào năm 2050 thì thách thức liên quan đến câu chuyện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng càng trở nên lớn hơn. Vì rất nhiều các giải pháp trong câu chuyện Net zero sẽ dẫn tới việc chuyển dịch từ sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch sang sử dụng điện năng. Và trong trường hợp này nếu các giải pháp, các công nghệ mới áp dụng mà chúng ta không xem xét về vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, điện năng ngay từ đầu thì sẽ dẫn tới một sự lãng phí và gây áp lực rất lớn lên cơ quan quản lý, điều hành hệ thống điện quốc gia; và dẫn tới là làm cho chúng ta sẽ cực kỳ nhiều khó khăn trong quá trình đảm bảo các yếu tố như an ninh năng lượng, công tác vận hành rồi chi phí giá cả".
Theo phân tích của chuyên gia năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện ở nước ta còn rất lớn do là nước đang phát triển, trình độ công nghệ của nhiều lĩnh vực công nghiệp chưa cao, tiêu dùng năng lượng, đặc biệt là tiêu dùng điện năng lớn. Vì vậy, cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để hiện thực hoá tiềm năng tiết kiệm năng lượng thành kết quả cụ thể.