Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhà đầu tư cá nhân phải rất thận trọng khi quyết định mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trước khi mua cổ phiếu nhà đầu tư cần thu thập đầy đủ thông tin của tổ chức đó, xem xét khả năng tài chính, tình trạng nợ đọng, lợi nhuận chia hàng năm bao nhiêu.
Và điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải định được giá trị của thương hiệu của tổ chức phát hành cổ phiếu. Giai đoạn tiếp theo là có bao nhiêu tiền và đầu tư vào cổ phiếu nào, ngành nào.
Hơn nữa, khi đầu tư vào thị trường chứng khoán là phải hướng đến đầu tư dài hạn (từ ba năm trở lên). Nếu các nhà đầu tư mà tính đến việc đầu tư ngắn hạn (khoảng năm, bảy tháng) để kỳ vọng vào việc thu được lợi nhuận cao thì rất nguy hiểm. Bởi lẽ mức lợi nhuận kịch trần một ngày của tất cả các mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM chỉ ở mức 5%/cổ phiếu. Trong khi đó, nhà đầu tư rất khó mà tiên đoán được giá cổ phiếu ngày hôm nay sẽ tăng, giảm bao nhiêu và tăng, giảm bao nhiêu ngày.
Mặt khác, nếu các nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận có được từ việc chia cổ tức thì số tiền kiếm được sẽ thấp hơn là gửi tiết kiệm ngân hàng do các tổ chức niêm yết chỉ chia cổ tức trên mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi mua, nhà đầu tư phải mua với giá cao gấp nhiều lần mệnh giá, chẳng hạn như cổ phiếu FPT có giá 600.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 60 lần mệnh giá.
Để tránh rủi ro đầu tư theo kiểu phong trào (tập trung tiền vào một “rọ chứng khoán”, khi bể thì trắng tay), các nhà đầu tư cần phân tán rủi ro bằng cách đầu tư vào nhiều lĩnh vực như đầu tư một khoản tiền vào trái phiếu Chính phủ, vì trái phiếu Chính phủ có mức độ an toàn cao. Một phần gửi vào ngân hàng để khi cần tiền có thể rút ra chi tiêu… Phần tiền dư ra cuối cùng mới nghĩ đến việc mua chứng khoán.
Theo: Pháp luật TP.HCM