Theo quyết định 13, giá mua điện đối với dự án điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh.
Ngày 6-4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.
Theo quyết định số 13 này, giá mua điện với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện nổi và điện trên mái nhà đều giảm so với mức giá ưu đãi cũ và cả 3 mức giá đều được Bộ Công thương trình Chính phủ trong các lần dự thảo quyết định trước đây.
Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh. Giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh. Giá mua điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh (giá mua điện trước đây 9,35 cent/kWh).
Mức giá này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Đối với các dự án điện mặt trời nối lưới, các dự án có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1-7-2019 đến hết 31-12-2020, dự án hoặc một phần dự án được áp dụng biểu giá mới theo quyết định này.
Riêng với Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1-1-2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW sẽ được hưởng giá ưu đãi 2.086 đồng, tương đương 9,35 cent/kWh.
Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, điểm mới trong quyết định là trường hợp bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Như vậy, bên mua điện và bên bán điện có thể tự thỏa thuận về giá cả, cách thức để sử dụng điện trực tiếp từ hệ thống năng lượng mặt trời.
Theo các nhà đầu tư điện mặt trời, hình thức này phù hợp với mô hình đầu tư điện trên mái các nhà xưởng, các trung tâm thương mại hoặc các cao ốc để bán lại điện cho người sử dụng bên dưới.
Quyết định này có hiệu lực thi hành vào 22-5-2020.
Giám đốc một doanh nghiệp điện mặt trời tại TP.HCM nói với quyết định mới này, nút thắt đã được cởi bỏ.
"Chúng tôi đã chờ đợi quyết định này suốt hơn 9 tháng qua. Từ khi giá khuyến khích cũ hết hiệu lực, thị trường điện mặt trời áp mái chậm lại do các chủ đầu tư lắp đặt điện mặt trời sau ngày 30-6 không biết đến khi nào mới được nhận tiền bán điện từ EVN", vị này nói.
Theo đó, thời hạn áp dụng giá mới chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa. Do đó, 9 tháng tới sẽ là cuộc chạy đua đầu tư điện mặt trời, bởi nếu làm trong giai đoạn này, chủ đầu tư sẽ được hưởng giá bán điện cố định theo USD trong suốt 20 năm tới.
"Tuy nhiên, điều khó khăn là chúng ta đang phải cùng nhau giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều hạn chế hoạt động trong giai đoạn này. Điều đó khiến thời gian chạy đua sẽ ngắn lại", vị giám đốc này nói.
|
Link gốc
Theo: Báo Tuổi trẻ